Mục tiêu của Quảng Nam là đến năm 2014 hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non (GDMN) cho trẻ em 5 tuổi (sớm hơn 1 năm so với cả nước). Tuy nhiên, mục tiêu này liệu có thành hiện thực khi sau nửa chặng đường đã qua chỉ mới có 3 địa phương chạm đích?
|
Một lớp học mầm non của xã Trà Tập, huyện Nam Trà My. Ảnh: X.PHÚ |
Những kết quả bước đầu
Thực hiện Quyết định 239 (9.2.2010) của Thủ tướng Chính phủ về phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi giai đoạn 2010-2015, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1517 (13.5.2011), trong đó đáng chú ý là việc đặt ra mục tiêu về đích vào năm 2014. Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua các địa phương đã tích cực triển khai với quyết tâm rất cao. Chẳng hạn TP.Tam Kỳ, huyện Đại Lộc đề ra mục tiêu hoàn thành vào năm 2012, còn huyện Hiệp Đức, Nam Giang dù nhiều khó khăn nhưng vẫn nhắm đến mục tiêu chạm đích năm 2013.
Theo ông Nguyễn Minh Hoàng - Phó Giám đốc Sở GDĐT, so với trước khi UBND tỉnh ban hành đề án phổ cập GDMN 5 tuổi, đến nay rất nhiều chỉ số của ngành GDMN có bước phát triển khá nhanh. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có 224 trường mầm non, trong đó 72 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 27 trường; riêng trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 99,5%, vượt xa quy định của Bộ GDĐT về phổ cập GDMN 5 tuổi. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng giáo viên (GV) cũng đạt được nhiều kết quả khả quan. Cùng với quá trình chuyển đổi loại hình từ trường mầm non bán công sang công lập, 2 năm qua ngành học mầm non toàn tỉnh đã tuyển dụng 1.339 cán bộ, GV, nâng tổng số toàn cấp học lên 4.390 người. Việc đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị cũng được các địa phương quan tâm. Nhưng sự quan tâm đầu tư cho GDMN dễ thấy nhất là nguồn kinh phí. Trước đây nguồn kinh phí đầu tư cho GDMN khá hạn chế nhưng 2 năm gần đây tăng đáng kể với số tiền hơn 202 tỷ đồng. “Sau 2 năm thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã có 125/244 xã, phường, thị trấn hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi, đạt tỷ lệ hơn 51%. Hiện đã có 3 địa phương hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi là TP.Tam Kỳ, huyện Điện Bàn và Đại Lộc với 100% số xã, phường, thị trấn. Nhiều địa phương cũng có 50% đơn vị trở lên hoàn thành phổ cập như Phước Sơn, Nam Giang, Núi Thành, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước” - ông Hoàng cho biết.
Còn lắm gian nan
Theo đề án phổ cập GDMN 5 tuổi của tỉnh, phấn đấu đến cuối năm 2012 có 6 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn quốc gia phổ cập GDMN 5 tuổi và đến năm 2014 có 100% huyện, thành phố hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay sau nửa chặng đường, toàn tỉnh mới có 3 địa phương hoàn thành nhiệm vụ. Điều đó cho thấy sẽ còn lắm gian nan trong chặng đường còn lại mà nếu thiếu quyết tâm và không có sự đầu tư mạnh mẽ thì đích đến vào năm 2014 sẽ khó trở thành hiện thực.
Theo báo cáo của Sở GDĐT, đến thời điểm tháng 1.2013, ngoài 3 địa phương TP.Tam Kỳ, huyện Đại Lộc, Điện Bàn hoàn thành 100% số xã, phường, thị trấn, các địa phương còn lại có tỷ lệ thấp như TP.Hội An 5/13 xã, phường; Quế Sơn 4/14; Bắc Trà My 2/12; Hiệp Đức 3/12; Nam Trà My 2/10; Đông Giang 2/11; thậm chí Tây Giang và Nông Sơn chưa có đơn vị nào hoàn thành phổ cập GDMN 5 tuổi. |
Khó khăn lớn nhất và được nhiều địa phương lo ngại chính là cơ sở vật chất. Trong 2 năm qua, toàn tỉnh xây mới 349 phòng, nâng tổng số phòng học kiên cố và bán kiên cố dành cho lớp mẫu giáo 5 tuổi lên con số hơn 1 nghìn. Tuy nhiên, chừng đó vẫn chưa thể xóa được tình trạng phòng học tạm, mượn từ các cơ sở khác (như nhà sinh hoạt thôn) khi mà hiện vẫn còn 143 phòng học loại này. Nhiều lớp mẫu giáo 5 tuổi còn thiếu thốn, thậm chí không có trang thiết bị, đồ dùng học tập, đồ chơi, học liệu… Theo báo cáo của Sở GDĐT, hiện có gần 36% lớp mẫu giáo chưa đảm bảo theo quy định về trang thiết bị phục vụ học tập, 45% lớp chưa đảm bảo theo quy định về đồ dùng phục vụ sinh hoạt, thậm chí 48 lớp không có bất cứ một trang thiết bị, đồ dùng nào. Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện phổ cập GDMN 5 tuổi vừa qua, các địa phương “than nghèo, kể khổ” rất nhiều về tình trạng này. Theo ông Lê Ngọc Kích - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, thực hiện phổ cập GDMN 5 tuổi, huyện đã thành lập được 7 trường mẫu giáo nhưng vướng mắc hiện nay là có đến hơn 50% phòng học tạm bợ, xuống cấp nặng cần thay thế chưa biết lấy nguồn từ đâu để đầu tư xây dựng. Đại diện các huyện Đông Giang, Tây Giang, Tiên Phước cũng băn khoăn rất nhiều trước tình trạng cơ sở vật chất phòng học, trang thiết bị thiếu thốn và đề nghị tỉnh nên có chương trình riêng nhằm hỗ trợ các huyện miền núi để thực hiện có kết quả công tác phổ cập GDMN. Ngoài ra, một trong những cản ngại được nhiều địa phương quan tâm nữa là đội ngũ GV chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng theo quy định. Cùng với đó, đội ngũ ở miền núi hiện nay không có được sự bền vững do thực hiện đề án luân chuyển. Theo UBND huyện Tây Giang, hiện ngành GDMN vẫn còn 56 GV chưa vào biên chế, trong đó nhiều người dạy hợp đồng từ năm 1997 đã khiến cho nhiều người thiếu an tâm công tác.
Quảng Nam từng có bài học trong việc thực hiện công tác phổ cập THCS khi đã phải “giãn” chỉ tiêu từ năm 2009 sang năm 2010 mới có thể hoàn thành và là một trong những địa phương cuối cùng trên cả nước đạt chuẩn. Sẽ khó lặp lại sự chậm trễ đó trong phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi hiện nay nhưng cũng hoàn toàn có thể xảy ra nếu cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương thiếu quyết tâm. Tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện phổ cập GDMN 5 tuổi tổ chức vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu đề ra, thời gian tới các địa phương phải tập trung thực hiện với tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn nữa. Trong đó, cần rà soát lại tất cả các mặt như công tác chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện; quan tâm việc tuyển dụng, bố trí, chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên; ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhất là trong người dân các huyện miền núi, người dân tộc thiểu số về lợi ích của việc đưa trẻ 5 tuổi ra lớp.
Xuân Phú