Từ ngày 25-27.9, tại trụ sở Liên hiệp quốc (LHQ) ở New York, Mỹ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh về mục tiêu phát triển bền vững của thế giới từ nay đến năm 2030.
Đây là hội nghị quy mô lớn nhất của LHQ kể từ Hội nghị thượng đỉnh năm 2000 thông qua các mục tiêu Thiên niên kỷ giai đoạn 2000-2015. 193 nhà lãnh đạo các nước thành viên của LHQ tham dự hội nghị nhằm thông qua Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, bao gồm 17 mục tiêu (169 chỉ tiêu cụ thể) so với 8 mục tiêu (21 chỉ tiêu cụ thể) của hội nghị năm 2000. Điều đó cho thấy thế giới hiện nay đang đối mặt với nhiều thách thức đòi hỏi tất cả quốc gia thành viên LHQ nỗ lực, chung tay giải quyết. Hội nghị diễn ra vào thời điểm LHQ chuẩn bị kỷ niệm 70 năm thành lập (10.1945 - 10.2015).
Các lãnh đạo LHQ cho biết, các mục tiêu phát triển bền vững được thông qua lần này sẽ mang thông điệp lịch sử tiến tới đảm bảo cuộc sống, quyền con người cho công dân toàn cầu, phát triển đi đôi với môi trường bền vững cho thế hệ mai sau. Trong đó bao gồm xóa đói nghèo, bảo đảm an ninh lương thực và cuộc sống khỏe mạnh, nâng cao phúc lợi, bảo đảm giáo dục có chất lượng, đạt được bình đẳng về giới, khuyến khích tăng trưởng kinh tế bền vững hiệu quả và dài hạn, khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên trái đất. “Các mục tiêu toàn cầu là cơ hội duy nhất để xóa đói nghèo, giảm bất bình đẳng, xây dựng xã hội hòa bình và bảo vệ môi trường. Tất cả quốc gia và công dân toàn cầu đều có vai trò để thế giới đạt được những mục tiêu đó. Chúng ta hy vọng những thông điệp về các mục tiêu đó sẽ đến được với tất cả mọi người trong vài ngày tới” - ông Ban Ki-moon, Tổng thư ký LHQ nói.
Trụ sở LHQ, nơi bàn về các vấn đề quan tâm chung của thế giới.(Ảnh: alphagamma) |
Trước thềm hội nghị mang tính lịch sử góp phần thay đổi thế giới tích cực hơn, Phó Tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội Wu Hongbo giải thích, Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững đặt ra những mục tiêu mang tính tất yếu. Bởi vấn đề tiêu thụ, sản xuất cùng với dân số ngày càng gia tăng khiến các nguồn tài nguyên trên hành tinh không thể duy trì, buộc thế giới phải làm một điều gì đó để thay đổi cách mà chúng ta đã và đang đối xử với hành tinh này. Nói rõ hơn là liệu chúng ta có nên để nhiệt độ trái đất tăng quá 2 độ C rồi chính chúng ta phải gánh chịu hậu quả ngày càng khốc liệt của thiên tai, nghèo đói, xung đột. Do đó, đòi hỏi các chính phủ và doanh nghiệp hãy cùng nhau hành động để đảm bảo phát triển kinh tế phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường phát triển bền vững để nhân loại hạn chế thấp nhấp những rủi ro và hậu quả.
Tại hội nghị lần này của LHQ, ông Wu Hongbo khẳng định LHQ cần sự đồng lòng của 193 thành viên về Chương trình nghị sự tương lai của thế giới không phải chỉ dành cho LHQ mà cho cả nhân loại, trái đất này. Vì vậy, lãnh đạo các nước sẽ thông qua Chương trình nghị sự toàn cầu mới về phát triển, tạo khuôn khổ và định hướng chiến lược về phát triển bền vững từ nay đến năm 2030.
NAM VIỆT