Vì cho rằng có mùi hôi nên lực lượng chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tạm giữ lô hàng mực xà hàng chục tấn của bà bà Phan Thị Tuyết (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) đang lưu thông xuất bán sang Trung Quốc. Sự việc này sẽ gây nguy cơ ách tắc đầu ra sản phẩm mực xà của ngư dân.
Những ngày qua là thời gian đặc biệt khó khăn với gia đình bà Tuyết. Lúc này, chồng bà là ông Nguyễn Tín đang phải ngày đêm túc trực tại tỉnh Thanh Hóa để vừa làm việc với lực lượng công an vừa trông nom lô hàng mực xà 21,3 tấn đang bị giam giữ tại đây. Bà Tuyết cho biết, theo thỏa thuận, trên đường vận chuyển lô hàng mực xà ra Quảng Ninh để xuất bán sang Trung Quốc, đến địa phận tỉnh Thanh Hóa vào ngày 5.5 thì bất ngờ công an giao thông của tỉnh này yêu cầu dừng xe, kiểm tra hàng hóa. Lực lượng Công an tỉnh Thanh Hóa đã giữ xe và lô hàng vì cho rằng, mực xà bốc mùi hôi là không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Gia đình bà Tuyết đã trưng ra tất cả giấy tờ hợp lệ để chứng minh hàng thủy sản đã được kiểm tra và chứng thực an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng lô hàng này vẫn bị tạm giữ. Theo lời bà Tuyết, từ ngày 5.5 đến nay, mực xà bị công an giam giữ trong điều kiện không đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng nên rất dễ hư hỏng. “Gia đình tôi đã đề xuất Công an tỉnh Thanh Hóa cho phép được bảo quản sản phẩm bằng cách phơi khô hoặc đông lạnh nhưng không được đáp ứng. Gia đình tôi như đang ngồi trên lửa” - bà Tuyết nói.
Bà Phan Thị Tuyết trao đổi với ông Ngô Tấn, mong tìm cách tháo gỡ khó khăn cho sản phẩm mực xà đang bị giam giữ tại Thanh Hóa. Ảnh: N.Q |
Bà Tuyết tính toán, theo thỏa thuận, 1kg mực xà có giá 60 nghìn đồng thì tổng giá trị của lô hàng là hơn 1,2 tỷ đồng. Trong vòng 1 tuần qua, sản phẩm này bị giam giữ trong điều kiện không phù hợp nên rất dễ hư hỏng. Nếu hàng này hỏng hết thì thiệt hại là quá lớn, gia đình không có cách gì cứu vãn được. Trong khi đó, nếu mực xà không bị hỏng thì giá trị của nó cũng sẽ bị giảm thấp, đơn vị thu mua sẽ yêu cầu giảm giá khiến kinh doanh thua lỗ. Vả lại, với thời gian giao hàng kéo dài thì sẽ khiến đối tác thu mua theo thỏa thuận không hài lòng, sẽ rất khó tiếp tục giao dịch bán hàng thuận lợi trong thời gian đến.
Nhiều lao động chuyển nghề, chủ tàu câu mực gặp khó khăn Ngày 12.5, trao đổi với chúng tôi xung quanh sự việc lô hàng mực xà của bà Tuyết bị tạm giữ khi đang trên đường đưa đi tiêu thụ, ông Phạm Văn Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang (huyện Núi Thành) nhận định sẽ gây thêm khó khăn cho đầu ra sản phẩm mực xà ở địa phương bởi lâu nay sản phẩm này chủ yếu do tư thương gom hàng, xuất bán sang Trung Quốc. Sự việc này dễ làm ách tắc đầu ra sản phẩm và sau này các tư thương có thể lợi dụng sự quy định khắt khe về an toàn thực phẩm để ép giá ngư dân. Ông Châu cũng cho biết thêm, nhiều tàu câu mực khơi ở địa phương đang gặp khó khăn do nguồn lao động không ổn định. Tam Giang hiện có 49 phương tiện câu mực khơi, hầu hết phương tiện đã cập bờ sau chuyến biển đầu tiên trong năm, nhiều tàu chuẩn bị ra khơi chuyến thứ hai nhưng gặp khó khăn về nguồn lao động. Gần đây giá mực khơi giảm sút, chỉ còn khoảng 50 nghìn đồng/kg (năm ngoái 70 nghìn đồng/kg), đầu ra lại khó khăn hơn nên nhiều lao động chuyển nghề. Hiện nhiều chủ tàu câu mực khơi phải cất công đi tìm bạn biển. “Năm ngoái đến chuyến biển thứ tư trong năm mới biến động nguồn lao động, năm nay thì chuyến thứ hai chủ tàu đã lo không có người đi biển. Do nguồn lao động không ổn định nên chủ tàu phải tìm kiếm người theo kiểu chắp vá, chưa có kinh nghiệm nên năng suất sản xuất sẽ bị ảnh hưởng” - ông Châu nói.(H.Q) |
Khó khăn càng thêm chồng chất với bà Tuyết khi theo ký kết với đơn vị mua hàng, gia đình đang cất giữ hơn 100 tấn mực xà mới thu mua được của ngư dân trên địa bàn tỉnh mấy ngày qua. Bà Tuyết không thể chở hàng hóa ra Quảng Ninh để xuất bán sang Trung Quốc theo thỏa thuận vào thời điểm này vì sợ sản phẩm lại bị bắt giữ. Để tiếp tục trữ hàng hóa, bà Tuyết đã phải thuê 60 công nhân, túc trực ngày đêm để phơi khô và bảo quản sản phẩm. Mỗi ngày, bà Tuyết phải tốn thêm 10 triệu đồng để trả công cho công nhân. “Tôi đã gửi đơn, cầu cứu ngành thủy sản của tỉnh giúp đỡ. Nếu tình trạng này kéo dài thì gia đình tôi càng thêm khốn khó. Làm sao có cách nào đó để thoát ra khỏi tình trạng khốn khó này đây” - bà Tuyết than vãn.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam nói, thời điểm này đang cao điểm về vệ sinh an toàn thực phẩm nên Công an tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra lô hàng và giam giữ khi cho rằng có mùi hôi. Mùi mà ngành Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng hôi là đặc trưng của hàng mực xà phơi khô chứ không phải hóa chất hay chất cấm gì. Vì thế không thể cho rằng mực xà không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được. Nhận được đơn thư của gia đình bà Tuyết, Sở NN&PTNT đã gọi điện thoại và gửi công văn đến Bộ Công Thương yêu cầu trợ giúp về trường hợp này. Ngành thủy sản cũng đã liên hệ với Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, đề nghị vào cuộc, làm rõ sự việc nêu trên. “Qua trao đổi, ngành chức năng của tỉnh Thanh Hóa trả lời là đang lấy mẫu mực xà để gửi ra Hà Nội xét nghiệm, kiểm tra có hay không các chất cấm trong hàng thủy sản khô. Nếu kết quả cho thấy sản phẩm không có chất độc thì lô hàng sẽ được tiếp tục lưu thông, xuất bán sang Trung Quốc. Còn nếu có chất cấm thì sẽ bị tiêu hủy” - ông Ngô Tấn nói. Chúng tôi đặt câu hỏi với ông Tấn rằng trong thời gian giam giữ hàng mực xà quá lâu mà lại không đảm bảo điều kiện bảo quản sản phẩm, ngành chức năng Thanh Hóa có phải chịu trách nhiệm khi hàng hóa bị hư hỏng không? Ông Tấn trả lời, sự việc đang được xác minh, làm rõ nên sẽ cung cấp thông tin sớm nhất có thể trong thời gian đến.
NGUYỄN QUANG