“Mùi của cố hương” - tập sách như món quà dành cho những ai đang sống xa nhà, xa quê - cho cả những ai đang hít thở bầu không khí của quê hương nhưng vẫn không thôi đau đáu...
“Mùi của cố hương” - đúng như lời đề từ của tác giả , là “cho gia đình và những ngày ở thôn Sấu”. Tập sách được tác giả lấy bối cảnh chủ yếu từ làng Sấu, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang - nơi có họ hàng, cha mẹ, mái nhà và những điều tác giả từng gắn bó, dành nhiều yêu thương nhất.
Làng Sấu hiện lên như một thực thể sinh động, với nhiều nét chung của làng quê Việt Nam. Nhưng ở đó cũng có những nét riêng khiến độc giả tò mò, muốn tìm hiểu.
Huyền thoại làng, chuyện xảy ra ở cầu Chẹm, trường học ở chùa Không Bụt, quê nội và quê ngoại… lần lượt là những lát cắt đặc tả về vùng quê trung du Bắc Bộ.
Không gian xanh từng nuôi lớn tâm hồn tác giả, sau này nhìn lại, những màu sắc, âm thanh sống động ấy lại thường xuyên đồng vọng, khiến anh muốn quày quả quay trở về nương náu chốn đồng quê.
Tác giả tâm sự: “ Có lần về làng, tôi lẩn thẩn đi dọc con đường từ nhà đến đầu làng để tìm lại những loài cây xưa. Cả cây trâm, cây nhặm và hàng sau sau giờ đều không còn. Những cây bục và cây mặt quỷ cũng biến mất. Cây hò chỉ còn lác đác. Lũ trẻ đi học về tò mò hỏi: “Chú tìm gì?” Tôi đùa “tìm chú ngày xưa” (Bồ công anh và những loài cây khác).
Hơn 200 trang viết, tập hợp 40 tản văn, ngoài những bài về làng Sấu, “Mùi của cố hương” còn là sự gom nhặt những mảng miếng, hương vị, sắc màu chung của những ngôi làng xứ Việt xưa.
Có thứ đến nay vẫn tồn tại nhưng có những thứ chỉ còn hiện hữu nhờ cây cầu của ký ức, khi chúng ta ngược dòng thời gian. Cũng như tác giả, những đứa trẻ nông thôn đều có tuổi thơ nghịch bùn, tắm sông, chăn trâu, trốn ngủ trưa, chơi căng, chơi cù, ăn quả dại. Và cũng chính những đứa trẻ hồn nhiên, vô tư ấy lại rất tự lập, tự giác cùng gia đình, người thân trải qua những giai đoạn nghèo khó, thiếu thốn thứ nọ thứ kia…
Quê hương là nơi mà từ đó mỗi người ra đi, nhưng cũng chính là động lực, lời hứa hẹn, là những món quà, kỷ niệm dù đã trôi xa. Để hiện tại, nó trở thành kho báu cho ta yêu mến, lục tìm. Lối viết súc tích nhưng không kém phần mượt mà, dày dặn thông tin, đảm bảo lôi cuốn người đọc.
Và phần nào đó, “Mùi của cố hương” giúp bạn đọc lần nữa đào xới, nhìn ngắm lại kho báu từ tuổi thơ, để mà rưng rưng, xúc động. Đó là những phút giây lắng lại, dạt dào đầy cần thiết trong chuỗi ngày mưu sinh đầy vội vã, vô thường.
Nguyễn Quốc Vương sinh năm 1982 tại Tân Yên, Bắc Giang. Anh có 8 năm du học tại Nhật Bản về giáo dục, từng là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Là tác giả, dịch giả của gần 100 đầu sách về văn hóa đọc, lịch sử, văn hóa, giáo dục. Hiện anh hoạt động như một dịch giả, diễn giả, tác giả độc lập.
Tập tản văn “Mùi của cố hương” xuất bản lần đầu tiên vào năm 2017, mới đây, tác phẩm được tái bản bởi NXB Phụ nữ Việt Nam.