Chiều nay con gái tôi đi học về, ngồi ê a mấy câu thơ của Bằng Việt: “Một bếp lửa chờn vờn sương sớm, một bếp lửa ấp iu nồng đượm, cháu thương bà biết mấy nắng mưa”. Chạnh lòng nhớ mùi khói bếp của bà.
Cuộc sống nổi trôi, tôi chọn cho mình bến đỗ bình yên ở thành phố nhỏ này. Lâu rồi không còn nghe mùi thơm nồng của khói nữa. Bởi vì góc bếp ngày nay luôn sạch sẽ, sáng bóng thơm tho chẳng thể nhìn thấy bồ hóng hay những vết khói bụi như góc bếp của bà. Góc bếp mà một thời tôi mải mê với những củ khoai lang khoai mì nướng.
Bếp của bà chẳng thể gọn gàng ngăn nắp, bởi những bó củi trên rừng được bà cõng về vội để kịp tránh mưa, bởi những bó lá khô của những chiều tôi theo bà đi hái, và bởi những đống rơm khô tôi phụ bà phơi sau những mùa gặt. Bếp của bà bừa bộn tro tàn than củi, túm hành, túm tỏi treo lủng lẳng trên giàn. Mớ khoai khô để dành ghế cơm vào những ngày mất mùa, mớ chè khô để dành nấu nước ngày mưa. Mùa đông, tôi vẫn quấn quýt bên bà với góc bếp ấy. Để được bà cho vài hạt mít nướng, để được hơ đôi bàn tay lạnh lẽo trên bếp than đỏ rực.
Một mình bà ra vào với với ngọn khói nhảy loi choi, hăng hắc mùi lá mục của những buổi sáng sớm để kịp có bát cơm nóng cho tôi lót dạ đi học trường xa. Khói đọng vào đôi mắt buồn của bà, vin vào mỗi buổi chiều khi mắt bà dõi ra xa như chờ đợi điều gì quen thuộc. Khi con người ta hít phải mùi khói đã ho sặc sụa, nước mắt ràn rụa vì cay nhưng tôi thì nghe mùi khói bếp của bà thơm lắm, mùi khói ấy quyện vào chén cơm mới ngày mùa, vào nồi cá kho vừa đổi được của mấy người dưới biển, và vào cả những đĩa muối rang của hai bà cháu.
Đêm giao thừa cả góc bếp của bà sáng rực bởi nồi bánh chưng trên bếp đang sôi sùng sục, bà lại kể cho tôi nghe câu chuyện ông đi đánh giặc, rồi mắt bà ánh lên niềm vui khi kể về những chiến công của ông, và rồi ánh mắt ấy lại chùng xuống khi kể “ông bây đã hy sinh”. Có một điều tôi thường thấy mỗi lần kể về ông bà thường bảo “sao bữa nay khói cay thế, chắc là tại mấy cây củi bị mưa tạt ướt”
Ngày nay người ta làm nhà theo kiểu hiện đại, dành hẳn một gian lớn để làm bếp ngay cạnh phòng khách, trang trí gọn gàng sạch sẽ, bàn ăn tủ bếp sáng bóng. Nhớ góc bếp của bà chỉ với cái kiềng 3 chân nằm đơn sơ nơi góc nhà, trên mái lợp sơ sài lớp cỏ tranh, bốn bề che chắn bằng phên tre, theo năm tháng lớp phên tre mục dần đi, bà lại lấy lá dừa bện thành một tấm mành để che bếp, giản dị nghèo nàn. Nhưng từ góc bếp ấy đã cho tôi mùi thơm của cơm mới, mùi ốc đá xào lá chanh, hay mùi canh lá rau ranh nóng hổi. Nơi ấy chất chứa tình yêu thương mà bà đã dành cho tôi từ khi tôi còn nhỏ.
Khói bếp của bà vương lên cả khóe mắt, lên cả bàn học nhỏ xíu của tôi, vương ra cả đàn gà bà chăm ngoài sân. Khói nhảy nhót trên mái nhà, rong chơi trên đám cải xanh non mơn mởn ở góc vườn, khói vương vấn hôn lấy mái tóc hoa râm của bà. Tôi ở phố, lâu rồi không còn nghe mùi khói, chạnh lòng nhớ góc bếp của bà, nơi sưởi ấm, và là nơi bình an nhất của tâm hồn tôi. Bỗng nhiên, tôi thèm nghe mùi khói. Chợt thấy lòng mình thổn thức bâng khuâng.
HƯƠNG HUỆ