Mùi quê

CHÂU NỮ 23/07/2017 07:27

Ở phố thị bận rộn và tiện nghi nhưng tôi lúc nào cũng như thấy thiếu một thứ gì đó - đôi khi hiển hiện rõ ràng, dai dẳng; có lúc mơ hồ, thoáng qua. Cái thiếu ấy, hình như là...  mùi quê. Để rồi những khi rảnh rỗi, tôi lại bươn bả quay về nơi mình sinh ra và lớn lên để “lắng nghe” cái mùi của yêu thương ấy. Cứ y như rằng, thiếu thứ mùi dân dã bình dị mà đặc trưng đó, tôi cứ thấy mình hao khuyết!... Mà mùi quê, lạ lắm, bằng tình yêu thương, gắn bó chân thành và ruột thịt mới “ngửi” được, chứ dùng giác quan thì chịu!

Làng quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Làng quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Gọi là phố, nhưng nơi tôi ở, bước sang bên kia đường là đã có thể bắt gặp cảnh quê. Cũng có đồng lúa, có rơm rạ, có bùn đất, có trâu bò từng đàn gặm cỏ, có trang trại, gia trại... Nhưng khi và chỉ khi về với làng quê có kỷ niệm thời thơ ấu của mình, tôi mới cảm nhận đủ đầy mùi vị quê hương.

Về, đầu tiên là phải sà vào hít hà mùi mồ hôi của cha mẹ. Những lúc như thế, mẹ tôi thường la (rất đậm chất quê): “Để ráo mồ hôi đã chớ nhớp quá mà nhào vô mẹ chi rứa con?”. Là la yêu rứa thôi, chứ tôi biết mẹ thích và vui như thế nào khi anh em chúng tôi đã lớn rồi mà đứa nào về cũng làm nũng với mẹ, để được mẹ chăm chuốt, vỗ về như thuở ấu thơ. Chỉ là mồ hôi thôi, nhưng đủ để tôi cảm nhận những thứ tôi từng ăn, từng mặc, nuôi tôi khôn lớn, trưởng thành, cứng cáp trước những bão dông của cuộc đời. Ấy là mùi của ruộng đồng, tảo tần nhọc nhằn, chịu thương chịu khó.

Cha mẹ tôi tuổi đã cao nhưng vẫn suốt ngày quẩn quanh với ruộng vườn, để cho khuây khỏa, và cũng để khi về quê, con cháu có cái này cái kia, khi thì trái mít, trái bắp hay bó rau, nải chuối mang đi, gọi là quà quê. Niềm vui của tuổi già, đôi khi cũng chỉ đơn giản như thế. Và niềm vui của những đứa con xa quê đôi khi cũng chỉ đơn giản như thế. “Mẹ già như chuối chín cây”. Cha mẹ còn khỏe ngày nào, các con yên lòng ngày ấy. Mỗi khi về nhà còn được nghe tiếng bước chân cha mẹ ngoài vườn, nghe giọng nói khỏe khoắn của cha mẹ, là mừng.

Về quê, sau nữa là chúng tôi ào ra vườn, ra đồng. Tin tôi đi, mùi đất ở quê khác hẳn mùi đất ở phố. Rồi mùi rơm rạ, mùi khói đốt đồng nữa, phố làm chi có, mà có cũng nhạt hơn? Thoảng trong gió, chao ôi là thơm ngọt, đượm nồng, hăng hắc... Rồi mùi nắng, mùi gió. Trong nắng có cỏ cây; trong gió có hương đồng nên gây mùi nhớ. Mảnh vườn nhỏ của mẹ tôi trồng đủ thứ. Cây ngắn ngày, cây lưu niên, hoa, cảnh... mỗi thứ không nhiều nhưng nhiều thứ, đủ để tuổi già giải khuây. Mùi và màu của rau, hoa trồng quê cũng khác với ở phố. Dường như xanh hơn, thắm hơn và thơm đậm đà hơn.  

Lại nữa, một khi mà ở phố sống chung với tiếng ồn, khói bụi, thực phẩm bẩn, thì về quê, được ăn thức ăn quê thì còn gì bằng. Tôi từng ăn gạo thơm mua từ xứ người giá đắt gấp đôi gạo quê, lại có cả rau VietGAP nữa, nhưng khi được ăn bát cơm mẹ nấu bằng gạo quê, đĩa rau mẹ luộc, toàn những thứ “nhà trồng, nhà làm, nhà chăm” cảm nhận khác hẳn. Mỗi món ăn đều đậm đà mùi quê - mùi của yêu thương săn sóc và chia sẻ. Gạo quê, rau quê, heo bò quê, tôm cá đồng... giờ là “đặc sản”, đồng nghĩa với thơm ngon và an toàn. Nhưng tôi nghĩ, sạch thơm ngon ấy chưa hẳn chỉ nhờ quy trình canh tác, chăm sóc, nuôi trồng sạch, mà còn nhờ được lớn lên bởi sự tảo tần, nhọc nhằn. Ở phố, thực phẩm gắn “mác” quê giờ đang lên ngôi.

Nhà thơ Chế Lan Viên có hai câu thơ rất hay: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn”. Ừ, thì đất vẫn là đất thôi, nhưng đất ở quê khác đất phố, và khi xa quê mới thấy yêu quê. Như tôi, đứa đã từng trốn chạy khỏi quê để tìm việc ở phố, giờ lại quay quắt nhớ thương và luôn tha thiết tìm về. Không nhớ sao được khi quê và mùi quê đã nâng bước bao nhiêu đôi chân mỏi mệt trong hành trình mưu sinh; nuôi dưỡng và hồi sinh bao nhiêu tâm hồn cằn cỗi. Mẹ quê là vậy, lúc nào cũng bao dung, vị tha và che chở...

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mùi quê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO