Khán giả tìm về với sân khấu ca kịch truyền thống ngày càng nhiều là một tín hiệu vui. Tuy nhiên, để việc bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật đặc biệt này hiệu quả, cần có thêm nhiều yếu tố. Nhân ngày sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch), thử nhìn vào khoảng trống của loại hình này ở Quảng Nam.
Sự bận rộn đáng mừng
Trong khi chờ dựng vở diễn mới, năm 2023 này, Đoàn Ca kịch Quảng Nam quyết định tuyển lựa những vở diễn “đinh”, từng được công chúng khen ngợi, đón nhận nồng nhiệt hoặc đoạt giải tại các kỳ liên hoan, hội thi, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp để tập luyện và đưa vào chương trình biểu diễn chính thức.
Ngoài việc lược bỏ những chi tiết không cần thiết để rút ngắn thời lượng, trong quá trình phục dựng và tập luyện lại các vở cũ, đoàn còn mạnh dạn thay đổi diễn viên đối với một số vai diễn, điều chỉnh thiết kế sân khấu, nhạc đệm...
Đoàn Ca kịch Quảng Nam còn đề ra giải pháp thu hút công chúng đến với sân khấu truyền thống bằng cách điểu chỉnh cơ cấu chương trình biểu diễn. Đơn cử, trong chương trình kịch mục chính (vở diễn) luôn có các chương trình phụ diễn - gồm các tiết mục dân ca bài chòi, hô hát lô tô... với thời lượng khoảng 30 phút được xây dựng theo từng chủ đề cụ thể.
Trên thực tế, các vở diễn cũ như “Nhà có 3 chị e gái”, “Xuân tím”, “Ký ức lửa”, “Chuyện tình Thị Nở”, “Chuyện tình bên dòng sông Thu”... đã trở nên “mới” hơn và tiếp tục được công chúng đón nhận.
Không chỉ ở các địa bàn vùng xa, vùng nông thôn như Nông Sơn, Bắc Trà My, Quế Sơn, Thăng Bình... mà ngay tại các khu vực đô thị như Điện Bàn, Tam Kỳ và kể cả Đà Nẵng, hầu như buổi diễn nào cũng rất đông khán giả. Qua 73 buổi diễn trong và ngoài tỉnh mà đoàn thực hiện trong năm nay đã thu hút tới hơn 35 nghìn lượt người xem phần nào nói lên điều đó.
Theo bà Võ Thị Thu Mây - Trưởng Đoàn Ca kịch Quảng Nam, đã nhiều năm rồi, tập thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công của đoàn mới lại được bận rộn với nghề một cách đúng nghĩa.
Ngoài các chương trình biểu diễn chuyên nghiệp, đoàn còn thực hiện các chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian, biểu diễn quảng bá nghệ thuật dân ca bài chòi, tham gia các hội thi, hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc và khu vực.
Hoạt động tập huấn truyền nghề cũng diễn ra khá sôi động tại nhiều đơn vị, địa phương, trường học trong tỉnh - từ bồi dưỡng kỹ năng thực hành di sản nghệ thuật bài chòi” cho các nghệ nhân đến truyền dạy kiến thức, kỹ năng cơ bản cho các câu lạc bộ, cho những người có khả năng tiếp thu và thực hành di sản bài chòi...
Những “khoảng trống” cần được lấp đầy
Việc khán giả Quảng Nam quay trở lại với sân khấu dân ca kịch truyền thống ngày một nhiều hơn như thời gian gần đây có thể nói là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, trong tổng thể nỗ lực bảo tồn, phát huy loại hình nghệ thuật đặc biệt này, nếu chỉ có ngần ấy thôi thì chưa đủ. Bởi lẽ, để sân khấu dân ca kịch phát triển cần phải có một đội ngũ những người hoạt động trên lĩnh vực sân khấu thật sự chuyên nghiệp, tâm huyết.
Thế nhưng ở Quảng Nam lâu nay, một số vị trí quan trọng trong đội ngũ ấy, gồm người viết/chuyển thể kịch bản, đạo diễn, nhạc sĩ sân khấu, họa sĩ thiết kế... vẫn còn khuyết thiếu. Trong thực tế, lực lượng này vẫn còn mỏng, chưa từng được đào tạo chính quy chuyên ngành, hoạt động không chuyên và chỉ đủ sức làm những vở diễn ngắn.
Do vậy, mỗi khi cần dựng vở diễn lớn, Đoàn Ca kịch Quảng Nam đều phải tìm đến các ê-kíp dàn dựng, các tác giả ngoài tỉnh (chủ yếu là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) để đặt hàng, mời hợp tác.
Sự tham gia của những “người trong nhà” vào quá trình biên tập, dựng vở chỉ ở mức hiệu chỉnh kịch bản cho phù hợp với đặc trưng Quảng Nam hoặc giữ vai trò trợ lý đạo diễn. Dù vậy, đó cũng là cách cho các nghệ sĩ của Đoàn Ca kịch Quảng Nam học nghề, tự đào tạo tại chỗ; chỉ có điều, để có thể “thành nghề” là cả một quá trình rất dài.
Trong khi đó, được xem là lực lượng đông đảo nhất, song đội ngũ diễn viên và nhạc công của sân khấu kịch truyền thống Quảng Nam vẫn không khỏi có lúc chông chênh. Sau nhiều lần thay chuyển, tuyển dụng, đào tạo, đến nay Đoàn Ca kịch Quảng Nam có 13 diễn viên và 6 nhạc công chính thức.
Với ngần ấy con người, rất khó để nghĩ đến việc dựng những vở diễn lớn hơn so với những vở mà đoàn đã dựng. Năm ngoái, khi dựng vở “Ni sư Hương Tràng” - một vở có số vai khá nhiều, đoàn đã phải huy động cả nhân viên hậu đài, bảo vệ, vào các vai quần chúng; trưởng đoàn vừa chỉ huy nghệ thuật vừa thực hiện phần âm thanh hậu đài.
Theo nghệ sĩ Võ Thị Thu Mây, để dựng vở và tổ chức biểu diễn, đoàn cần phải có ít nhất 20 diễn viên và chừng 12 nhạc công. Còn với lực lượng hiện nay thì luôn phải vừa làm vừa thấp thỏm, nhất là khi có người báo ốm hay gia đình có việc đột xuất...
“Do tuổi đời, tuổi nghề bình quân của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên của đoàn khá cao nên trong tương lai sẽ thiếu hụt diễn viên. Trong khi đó, chế độ ưu đãi, khuyến khích, khen thưởng cho người hoạt động sân khấu truyền thống vẫn thấp và còn nhiều bất cập. Đây cũng là yếu tố để họ khó gắn bó lâu dài cũng như khó thu hút được nguồn nhân lực mới để bổ sung” - nghệ sĩ Thu Mây tâm sự.