Phập phồng lo lắng khi đọc những tin nhắn về bão Noru (bão số 4), nào là cơn bão lịch sử 20 năm chưa từng gặp, nào là con quỷ siêu mạnh có thể quét sạch banh mọi thứ cản nó trên đường…
Bên cạnh đó có những tiếng thương quê hương miền Trung sao nắng lắm mưa nhiều, bão lụt triền miên đến tội.
Tất cả tạo nên bầu không khí dội vào tim óc nặng nhọc như bị đá đè.
Nhưng tất cả đều lao vào cuộc chạy đua phòng tránh bão. Người người nhắc nhau chằng chống nhà cửa, mua đèn, trữ nước, chuẩn bị lương thực, thực phẩm… Chính phủ lập ngay Ban chỉ đạo tiền phương tại Đà Nẵng. Chính quyền các địa phương cấp tập kêu gọi tàu thuyền vào bờ, đưa lực lượng đến giúp dân, di tản hàng trăm nghìn người đến nơi trú tránh an toàn…
Rồi thì bão tới, rồi thì bão qua. Những gì đã đến tất phải đến. Quá may là cơn bão đột ngột giảm nhiều cấp khi vào đất liền. Quăng quật gần hết đêm 27, rạng sáng 28.9, bão tan.
Lần này do sự lan truyền nhanh chóng trên Facebook, qua hình ảnh, video cùng đôi dòng cảm nhận rất dễ để hình dung được ngay những thiệt hại không quá lớn so với cảnh báo, đặc biệt không ai thiệt mạng vì bão.
Cơn bão đã đi qua, những gì hiện ra trước mắt hết sức cấp thiết là dọn dẹp, khắc phục hậu quả. Dựng nhà, lợp trường, sửa đường, nối điện, thăm và động viên các hoàn cảnh khó khăn do tàu chìm, nhà sập… những công việc cấp tập đó cần có sự chung tay của cả cộng đồng.
Cho nên những cơn “bão lòng” thôi đừng xới lên mấy chuyện không hay như việc nhanh tay vận động cứu trợ quá lố, hay sự “nổ” của mấy ông thầy cho rằng mình dự báo bão chính xác, nào tranh công cho mình hơn cả 8 trung tâm khí tượng quốc tế khi đưa ra thông tin về cấp bão, nào tâm linh mơ hồ được che chắn bằng phép thiêng v.v.
Thoát qua cơn bão này mà ít thiệt hại hơn dự báo là quá mừng. Để có được điều đó hẳn do nhiều nguyên nhân. Cuộc họp ngay sau bão do Thủ tướng Chính phủ chủ trì đã đúc kết nhiều bài học quý báu, từ việc truyền thông lan tỏa rộng rãi, công tác chuẩn bị ứng phó, nhất là kiên quyết di tản dân đến nơi trú tránh an toàn, các kịch bản vận hành trong tình huống khẩn cấp cũng đã thông suốt.
Còn có thể chỉ ra thêm những tác động tích cực khác, nhất là ý thức khá cao của người dân trong việc bảo vệ chính tài sản và tính mạng của mình; sự chung tay hướng dẫn, cảnh báo sớm từ những chuyên gia uy tín như Nguyễn Ngọc Huy (nickname trên Facebook là Huy Nguyen) cùng nhiều người am hiểu về khí tượng thời tiết…
Nghĩa là cái gì con người chủ động chuẩn bị được, có thể làm được để ứng phó với sự cuồng nộ của cơn bão, là chúng ta đã cố gắng hết mình. Còn những gì thuộc về bí ẩn của tự nhiên (như tại sao cơn bão bất ngờ nhẹ đi) thì còn nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích, giải mã để thêm hiểu biết.
Và sẽ không bao giờ ta có đáp số chung cho mọi cơn bão, mọi diễn biến của thời tiết, khí hậu ở mọi lúc mọi nơi. Những quốc gia có nền kỹ thuật công nghệ cao, dự báo tốt, phương tiện ứng phó tân tiến như Mỹ, Nhật… cũng từng bó tay thúc thủ trước những cơn bão có sức tàn phá dữ dội. Nên thôi, thoát qua được cơn bão nào thì mừng thôi, đừng nghĩ mình giỏi rồi!
Thông thường mỗi năm Việt Nam phải hứng chịu hơn mười cơn bão, bây giờ mới “anh Tư” vừa đến thôi, nên phía trước là cả dặm dài phòng tránh thiên tai, cả bão lụt, động đất, sạt lở núi, nước biển dâng, rồi hết La Nina đến El Nino.
Đối mặt với thiên tai dường như là “định mệnh”, là “lời nguyền địa lý” của dải đất cong lưng này, cho nên luôn cần một ý chí kiên cường, đoàn kết, sự hiểu biết và chia sẻ kinh nghiệm sống quý báu. Năng lượng tích cực đó cần giữ gìn, bổ sung, hội tụ, làm nên sức mạnh chung lưng đấu cật trong mọi tình huống hiểm nghèo.