Tôi đứng trên cầu ngó về cửa biển. Ở đó xúm xít ánh đèn của ghe lưới, của rớ. Lốm đốm ánh sáng như con mắt của làng từ những ngôi nhà mặc áo choàng đen bừng ánh điện khi đêm vừa xuống của xóm bến cá An Lương - Trung Phường. Sau lưng tôi, xa xa trên kia là thôn 1 Duy Nghĩa, thôn 3 và 4 Duy Thành. Gió thổi ràn rạt từ phía biển. Có cơn gió của lòng tôi cũng đang thổi. Ơi sông. Ơi bờ bãi. Ơi cát. Nước đen thẫm như lưng con cá chình lớn đang trôi ngược dòng tìm về bản quán khi đã đi qua mùa sinh nở ở cuối dòng. Thôi nhé, từ đây, sông mẹ đã thêm một dáng hình, mà tôi cứ mường tượng như hạt muối kết tinh từ mồ hôi cháy xèo trên cát mùa tháng 8 nắng cháy dương liễu.
Cầu Cửa Đại đang đi vào giai đoạn hoàn thành. Ảnh: T.VIỆT |
Những năm tháng còn chụm rơm rác nấu cơm; người Duy Nghĩa, Duy Hải thiếu phân bón ruộng, cứ sáng sáng là họ gánh bao tời lên xóm tôi mua tro. Cơm đùm cơm nắm. Nhiều người mang cả khoai lang lên đổi gạo, gánh theo mắm cái đi bán. Sáng đi, tối mịt mới gánh về, hoặc xuống ngõ Bàn Thạch chèo đò về, hoặc đò cắm ở sông cạnh làng tôi, bơi rã tay, bởi chiều thì gió Cửa Đại thổi lên. Trẻ con nghịch ngợm, hay phỉnh chỗ ni chỗ kia bán tro, tên thường gọi chủ nhà thì không nói mà bày kêu tên “tục” để họ bị chửi. Họ kể không có thủy lợi, cát nóng phồng chân, rồi bọ chét cắn sưng người. Cực không kể xiết. Mùa mưa, Duy Thành nổi tiếng đường trơn. Tôi nhớ có một bà ở An Lương gánh tro trượt té, bong gân, bà con trong xóm tôi phải cho ở tạm lại nhà hôm sau bà tìm cách về gọi con gái lên gánh. Vùng cát. Những đứa bạn học trường huyện. Không có đường qua Hội An, lên huyện, nên đi học phải ở trọ, chở theo gạo mắm, một tháng về một lần. Những đứa bạn hình như phần lớn gương mặt lặng im như bản thể của cát. Lầm lũi học. Đám bạn ngày đó, giờ tứ tán hết rồi. Ngọc đi làm xây dựng, mở quán ăn. Một đêm tôi thấy điện thoại lạ, xưng Ngọc đây, rồi nó bập liền: Ê, bữa mô về dưới uống một bữa! Lời hẹn trôi sông, vì tôi xê dịch, còn hắn đi làm đây đó ở Quảng Ngãi, Tây Nguyên. Thằng này dân Duy Nghĩa, học với tôi từ lớp 6 đến 12. Những năm cuối cấp bỗng nhiên hắn học giỏi toán đến lạ, nhưng rồi không vào đại học. Số phận gieo cầu mà. Hắn rời quê, bởi ở lại cũng chẳng biết làm chi ngoài trồng khoai, đánh cá.
Đứng trên cầu, tôi nhớ những người đàn bà mua tro, nhớ những đôi gàu gánh nước tưới khoai lang mùa hè. Nóng chi mà như tạt lửa vào mặt. Nước trộn mồ hôi đổ xuống cát, rút cái ào, bốc hơi không kịp thấy, như con nít phun sương. Khổ chi mà khổ đến lạ. Chẳng có ai nghĩ đến lúc nào đó sẽ chấm dứt được cảnh chèo đò mua tro, chấm dứt cái cảnh con đi học phập phù mùa mưa bão nó có về thăm nhà mà đò giang giữa dòng như thế, lòng sao yên được, chấm dứt cái cảnh muốn mua đôi dép cho con mang tết thì phải chờ đò An Lương chạy qua phố Hội. Đò chật, người đông, lỡ rủi trễ chuyến là… quớ làng. Bên ni ngó qua bên tê xa lắc xơ đâu dễ cất tiếng gọi đò. Thím tôi người Duy Nghĩa, nhớ có lần thím về quê ăn giỗ, đò ra giữa sông thì chìm. Biết bơi nhưng lên lại nhà tôi thì thím khóc. Chút lễ vật dành dụm mua về giỗ cha trôi theo hà bá. Trong tôi, những gương mặt vùng cát nhẫn nại, gan lì mà dễ tổn thương như bóng nước sủi tăm. Cách trở đò giang, dễ gì đổi đời được. Cả vùng cát mênh mông, nhà cửa tạm bợ, năm này tháng nọ xập xệ ám đen. Cứ mỗi mùa bão qua, lại tìm cách kiếm hàng cứu trợ mang về, thấy vẫn y như thế, lại càng thảm não hơn. Tôi nhớ có lần anh Nguyễn Văn Thống, Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hải thở than: Biết hồi mô cho khá anh hè?
Gió vẫn thổi riết róng lạnh, thổi như thuở vô thủy vô chung mặc kệ con người quẩn quanh xoay xở. Cầu Cửa Đại như hình cánh cung bật căng nối đôi bờ. Gió đã bị chẻ đi. Nó phải lòn dưới cầu hay vượt lên trên mà bứt phá. Điều đó có nghĩa là nó đã phải chào thua. Mấy trăm năm rồi nó đã đánh bạt tiếng hú gọi đò, nhận chìm xuống nước hay ném về phía biển như trò chơi độc địa. Giờ thì sứ mệnh cuồng mê đó đã thành dĩ vãng. Bỗng nhớ những trang viết của nhà Hội An học là cụ Nguyễn Bội Liên, vốn là con dân Duy Nghĩa, rằng cụ xác quyết đã từng có cảng thị ở Trung Phường trước khi có đô thị Hội An. Những khai quật khảo cổ học vùng này từng đào được những mỏ neo cực lớn. Thành phố trong cát đã bị chôn vùi. Lời cụ Liên đã theo cụ về với tổ tiên. Nhưng bây giờ bừng lên trong tôi, hình như đã bắt đầu sống lại hồi quang phố xá trên bến dưới thuyền. Nhìn ánh điện hắt sáng bờ bãi, tôi nghĩ đến một thành phố của ngày mai. Có cầu rồi, chạy xe mấy phút là qua Cẩm Thanh. Một đô thị ven biển đăng đối với bên kia phố Hội, sao không thể nghĩ tới, dù biết vẫn còn xa xăm lắm. Rồi sẽ phải khác. Không thể không khác. Sông Thu đến cuối dòng, chưa cần về với biển mới có muối mặn, mà từ đây, ở đây, muối đã kết tinh từ sức người và ước ao muôn đời ngỡ không thể có trong mơ. Từ đây giã biệt và bắt đầu…
TRUNG VIỆT