Góc suy ngẫm

Mười đàn bà là bằng không (!?)

NGUYỄN ĐIỆN NAM 10/03/2024 07:25

Xã hội văn minh thì phụ nữ, đàn bà bình quyền với đàn ông, nên nhân 8/3 mà bàn quan niệm “trọng nam khinh nữ” thì lại đụng di chứng xưa cũ rơi rớt đâu đó trong cuộc sống.

Xã hội văn minh thì phụ nữ, đàn bà bình quyền với đàn ông, nên nhân 8/3 mà bàn quan niệm “trọng nam khinh nữ” thì lại đụng di chứng xưa cũ rơi rớt đâu đó trong cuộc sống.

Thật thế, dù đàn ông miệng nói bình quyền mà nào dễ chi bỏ thói coi thường phụ nữ! Đâu đó khi xem một số gia phả tộc họ, lại bắt gặp trường hợp chỉ ghi tên đàn ông ở các nhánh rễ từ thủy tổ xuống đời con cháu. Đó là vì quan niệm “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, rằng chỉ 1 nam là đủ, còn 10 bà là coi như không.

Nhắc chuyện này lại nhớ học giả Phan Khôi (1887 - 1959), một người Quảng Nam xuất chúng, từng đấu tranh không mệt mỏi cho nữ quyền.

Có thống kê từ năm 1929 đến 1939, cụ Phan Khôi đã viết ít nhất 77 bài báo với chủ đề về phụ nữ, nữ quyền. Đặc biệt, năm 1939 Phan Khôi đã công bố tiểu thuyết “Trở vỏ lửa ra”, mượn hình ảnh dân gian để nói về thân phận phụ nữ trong cái xã hội “nam tôn nữ ti”, với cái nhìn “đẻ ra mà thấy là con gái một cái, thì đã khinh đứt đi rồi”.

Giải thích tục này trên tờ Phổ thông bán nguyệt san như sau: “Nguyên tục ngữ có câu “Con gái trở vỏ lửa ra”, ở Trung, Nam kỳ ai cũng biết cả. Bắc kỳ cũng có tục ấy từ xưa, bây giờ ở Hà Nội bỏ đã lâu rồi, nên ít người biết.

Nhà có đàn bà đẻ, người ta buộc một cây ráy và một lẻ củi đã đun dở một đầu vào một với nhau, rồi lại buộc nó trên một cái nọc cắm ngoài ngõ, kêu bằng “khem”.

Đẻ con trai thì cái lẻ củi giở đầu đã đun trở vào, con gái thì đầu ấy trở ra. Người đi qua, thấy cái khem thì biết trong nhà đẻ con trai hay con gái. Câu tục ngữ ấy cũng như câu chữ Nho: nữ sinh ngoại hướng nghĩa là con gái sinh ra thì hướng ra bên ngoài”.

Chính vì khinh nên nhiều nhà cổ hủ không cho con gái, đàn bà, phụ nữ quyền học hành và hưởng thừa kế tài sản gì cả. Vì vậy, Phan Khôi đả phá tập tục ấy và đề cao các quyền cơ bản của phụ nữ như quyền thừa kế, quyền được học hành, quyền tự do yêu đương, quyền được quyết định tương lai vận mệnh của mình.

Bảo vệ và cổ xúy nữ quyền, lớp trước cụ Phan Khôi cũng có học giả Phan Kế Bính (1875-1921), từng phê phán: “Tục ta trọng nam khinh nữ thì là một tục trái hẳn với cách văn minh... Tục ta thì phần nhiều áp chế đàn bà quá.

Có người coi vợ như kẻ ăn người ở, nào là bắt sửa túi nâng khăn, nào là bắt cơm dâng nước tiến, nào là bẻ hành bẻ tỏi, nào là bắt nhặt bắt khoan.

Chồng ăn chơi như phá không sao, vợ xểnh ra một chút đã sinh ra ỏm tỏi; chồng chim chuột như quỷ thì chẳng hề gì, vợ động đi đâu một lúc thì sinh ra ngờ vực, ấy là trái với đạo công bằng”.

Nay khác xưa nhiều nhưng đây đó vẫn còn rơi rớt chuyện coi khinh phụ nữ, thậm chí bạo hành rồi nạn buôn người đưa bao nhiêu thân phận đàn bà vào cõi tối tăm đày đọa.

Khi tình trạng tìm cách đẻ con trai, loại bỏ con gái đã dẫn tới mất cân bằng giới tính ở nhiều nước thì nạn buôn bán phụ nữ càng nguy hiểm hơn.

Không có đàn bà thì ai làm mẹ sinh ra đàn ông? Nên nói đàn bà là số không thì quá bậy rồi, chưa nói vai trò của họ ngày càng quan trọng trong đời sống kinh tế, bởi theo Ngân hàng Thế giới - World Bank, GDP toàn cầu có thể tăng 20% nếu phụ nữ tham gia đầy đủ vào thị trường lao động (Báo cáo Woman, Business and Law, lần thứ 10). Đó là chưa kể còn bao việc không tên mà phụ nữ không được trả lương như nội trợ, chăm sóc con cái, cha mẹ già…

Và nữ giới, muốn tự giải phóng để được bình quyền thì lời khuyên của học giả Phan Khôi vẫn còn nguyên giá trị rằng, phụ nữ phải được học để biết về giá trị bản thân, về vai trò xã hội, về quyền lợi của mình trong sự bình đẳng với nam giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mười đàn bà là bằng không (!?)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO