Vào hẳn tháng Chạp, đây đó cúng kiếng giỗ chạp nhiều lại thấy hình ảnh quen thuộc với người Quảng và nhiều vùng quê xứ Việt là bát gạo muối trên mâm cúng đất trước sân.
Đó là mâm cúng bố cáo thổ thần, xin cho ông bà tiên tổ nhập từ đường hưởng hương hoa quả phẩm. Điều đó nhắc gợi về nguồn cội xa xưa của nền văn minh lúa nước, mà qua bao nhiêu dông gió lịch sử vẫn vẹn nguyên tín ngưỡng.
Văn hóa xứ Quảng còn lưu vết “con đường muối” xa xưa nối vùng xuôi và miền ngược, trao đổi hàng hóa qua các ngõ nguồn, trong đó không thể nào không có mắm muối của vùng xuôi gửi lên người ở núi.
Đất Quảng cũng từng hiện diện địa danh Diêm Trường cùng những diêm điền - ruộng muối tồn tại với đời diêm dân “cháy sém da mới ra hạt muối”.
Hát ru con thì luôn vọng lên câu gừng cay muối mặn. “Hạt muối mặn ba năm còn mặn/dĩa gừng cay chín tháng còn cay…”.
Xem thế, đủ biết, đủ cảm vị muối đã thấm rất lâu trong bề sâu văn hóa, ẩm thực, những khúc thức tình đời và lịch sử vùng đất.
Vậy nên thật vui khi đọc thấy mối quan tâm về muối cuốn hút nhiều người, nhất là với thông tin sẽ có một Festival quốc tế về muối Việt Nam, được tổ chức tại Bạc Liêu vào tháng 4/2024.
Gọi hỏi bạn ở phương Nam, vì sao lại chọn Bạc Liêu để tổ chức lễ hội muối, mới hay rằng đó là nơi mà nghề làm muối đã được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia.
Bạc Liêu, xứ sở nổi tiếng bởi tình điệu “Dạ cổ hoài lang”, cũng từng vang danh câu ca truyền tụng “Đất Bạc Liêu muối tên Ba Thắc/ Nhãn cơm dày dễ lột thơm ngon”. Xứ này có nghề muối tồn tại qua mấy trăm năm, từng có cả dãy nhà kho chứa muối dọc theo bờ sông Bạc Liêu (gọi là Tu Muối) và có cả con kênh được đào để chuyên chở muối từ ven biển vào đến bán cho ghe hàng, rồi chở đi thương cảng Sài Gòn, hoặc ngược sông Hậu xuất cảng sang tận Campuchia…
Vào năm 2022, đã tổ chức sự kiện Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu, ở đó có “Không gian tinh hoa ẩm thực tôm và muối Bạc Liêu” và đã công bố xác lập kỷ lục Việt Nam về 122 món ăn được chế biến từ tôm và muối Bạc Liêu.
Quả chẳng hổ danh xứ sở của muối, khi thương hiệu muối 4 sao Bạc Liêu đã trở nên phong phú các loại “đặc sản” như muối tinh, muối tôm, muối chay, muối hạt, muối i-ốt, muối ớt, muối tiêu, muối hạt sạch, muối hạt sạch sấy, muối tinh sấy i-ốt…
Từ Bạc Liêu, đọc thêm về ngành muối toàn cõi đất Việt, bỗng dưng lại buồn lòng khi biết diện tích sản xuất muối cả nước có xu hướng giảm dần, do thu nhập từ sản xuất muối thấp, người dân đã chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy hải sản hoặc chuyển sang làm nghề khác nên một số diện tích sản xuất muối bị bỏ hoang.
Trước thực trạng ấy, đã có Đề án phát triển ngành muối giai đoạn 2021-2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đặt ra mục tiêu phát triển ngành muối Việt Nam đến năm 2030 hiện đại ngang tầm các nước khu vực, trên cơ sở tận dụng tối đa lợi thế vùng miền, đa dạng phương thức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm muối, thỏa mãn nhu cầu muối trong nước, từng bước thay thế lượng muối nhập khẩu (khoảng 400 - 600 ngàn tấn/năm) và tiến đến xuất khẩu muối, nhất là muối phục vụ tiêu dùng và công nghiệp thực phẩm. Tuy nhiên, từ đề án đến thực tiễn, sẽ còn cần nhiều hành động cụ thể, cả về cơ chế hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ, thì hột muối Việt mới mặn mà để đi ra thế giới.
Lang thang phương Nam trở về vùng duyên hải miền Trung, nơi mà nắng gió thuận lợi cho nghề làm muối song đếm lại còn ít ỏi địa chỉ thương hiệu có tiếng, tựa như muối Cà Ná, Sa Huỳnh… Quảng Nam mình thì sao? Muối mặn tình đời còn đâu đó ở rẻo đất Núi Thành, nhưng để làng nghề phát triển đâu thể làm như xưa chỉ biết trông trời.