Mười năm, vùng dừa nước đổi đời

QUỐC TUẤN 13/12/2021 06:04

Hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh (Hội An) qua 10 năm thực hiện bảo tồn và khai thác tổng thể đã trở thành “điểm sáng” trong phát triển bền vững dựa vào cộng đồng.

Du lịch sinh thái, cộng đồng ở rừng dừa nước Cẩm Thanh. Ảnh: Q.T
Du lịch sinh thái, cộng đồng ở rừng dừa nước Cẩm Thanh. Ảnh: Q.T

Từ suy kiệt đến phục hồi

Trong thập niên 80 của thế kỷ trước, khoảng 45ha rừng dừa nước tại Cẩm Thanh bị chuyển đổi thành những cánh đồng muối. Đến những năm 90, cả 45ha trên và thêm nhiều diện tích khác lại chuyển sang ao nuôi tôm. Khi phong trào nuôi tôm dần thoái trào cũng là lúc người dân địa phương vô cùng chật vật trong việc xoay xở sinh kế.

Dự án phục hồi và khai thác bền vững dừa nước do chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam (GEF SGP) tài trợ trong giai đoạn 2010 - 2012 như “phao cứu sinh” cho hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh.

Đến năm 2018, dự án “Bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh trên cơ sở giao quyền cho cộng đồng” cũng do GEF SGP phối hợp với một số tổ chức quốc tế tài trợ tiếp tục tạo đòn bẩy vững chắc để khai thác hợp lý các giá trị văn hóa, tự nhiên cũng như cải thiện rõ rệt đời sống người dân.

Truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và trách nhiệm các bên liên quan; phân vùng bảo vệ và phục hồi rừng dừa nước; xây dựng các tổ du lịch cộng đồng, xây dựng quy hoạch du lịch sinh thái cộng đồng; phát triển sinh kế thay thế; quy hoạch tổng thể du lịch bền vững; phối hợp với các chương trình/dự án khác trên địa bàn xã… là những hoạt động của dự án đã được lồng ghép, triển khai xuyên suốt trong nhiều năm và tạo ra nền tảng vững chắc.

Đến nay, hệ sinh thái rừng dừa nước Cẩm Thanh có diện tích khoảng 120ha. Rừng dừa nước giúp ứng phó biến đổi khí hậu, cho tàu trú bão, phát triển du lịch, cải thiện sinh kế đa dạng cho người dân… Ở thời điểm dịch Covid-19 chưa bùng phát, mỗi ngày khu vực này đón đến 5.000 lượt khách.

Ông Nguyễn Hùng Linh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh cho biết, khi Di tích lịch sử văn hóa rừng dừa Bảy Mẫu được cho phép khai thác du lịch vào năm 2015 thì điểm đến này dần dần đón lượng khách rất lớn, có lúc khiến chính quyền địa phương lúng túng trong việc bảo tồn và phát triển.

“Trước đây việc khai thác triệt để tài nguyên cây dừa nước nói riêng cũng như hệ sinh thái nói chung để phục vụ du lịch vẫn còn tràn lan. Nhờ vào dự án do GEF SGP hỗ trợ, áp lực quản lý của địa phương được chia sẻ, nhận thức người dân nâng cao, giá trị tài nguyên cũng được khai thác hợp lý” - ông Linh nói.

Khi ý kiến cộng đồng được lắng nghe

Giao quyền quản lý hệ sinh thái rừng dừa nước đến cộng đồng người dân Cẩm Thanh thực chất là kế hoạch bảo tồn và sự tham gia của người dân địa phương vào quy hoạch bảo tồn, hướng đến nâng cao chất lượng sức khỏe hệ sinh thái tự nhiên, gia tăng năng lực cộng đồng. Điều này giúp bảo tồn, phát triển nguồn lợi, cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó linh động với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Xuyên suốt quá trình, người dân Cẩm Thanh luôn đóng góp với tâm thế rất chủ động vì được tham gia mọi hoạt động của dự án, kể cả lúc xây dựng, phê duyệt phương án triển khai. Tiếng nói của cộng đồng được cơ quan quản lý lắng nghe, tôn trọng nên từ khi phương án triển khai xuống cho đến bây giờ kết quả nhận được rất tích cực”.

Ông Nguyễn Nam Sơn (cán bộ Vụ Phát triển rừng, Tổng cục Lâm nghiệp) cho hay, đây gần như là phương án quản lý rừng bền vững của cộng đồng đầu tiên trên cả nước, cũng là một trong những điểm mới của dự án xây dựng phương án quản lý phát triển rừng bền vững ở khu vực nông thôn.

“Sau khi thực hiện tại Cẩm Thanh, chúng tôi đã chia sẻ kết quả của dự án đến một số dự án khác mà Bộ NN&PTNT đang triển khai để có thể nghiên cứu nhân rộng” - ông Sơn nói.

Theo TS.Chu Mạnh Trinh (cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), đã đến lúc chúng ta phải dùng tri thức khoa học lồng ghép với tri thức địa phương để quản lý tài nguyên trên hành trình chuyển đổi sinh thái xã hội, tìm đến sự vững vàng giữa con người với con người và con người với thiên nhiên.

Hiện nay cộng đồng được giao quyền quản lý hệ sinh thái rừng dừa nước khoảng 57,6ha. Bà Nguyễn Thị Thu Huyền (điều phối viên Chương trình phát triển của Liên hiệp quốc tại Việt Nam) nói, dự án chỉ tài trợ trong khuôn khổ tài chính và kỹ thuật, con người địa phương mới quyết định sự thành công này. Phần diện tích rừng dừa còn lại đang do chính quyền địa phương quản lý, hy vọng sẽ dần tiếp tục được chuyển giao cho cộng đồng để phát triển bền vững, dù dự án kết thúc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mười năm, vùng dừa nước đổi đời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO