Muôn kiểu ông già Noel

NGUYỄN ANH THI 25/12/2023 07:00

(VHQN) - Hình ảnh ông già Noel mà chúng ta hay thấy ở Việt Nam, là một ông già Noel kiểu Mỹ. Đại thể ông phải là một người đàn ông mập mạp, vui tính, có râu, da trắng. Ông cũng hay đeo kính mặc áo khoác đỏ có cổ và vòng lông màu trắng, quần đỏ có viền lông màu trắng, đội mũ đỏ viền lông trắng. Để thêm... oách thì ông có thêm thắt lưng da và ủng đen, mang theo một túi đầy quà cho trẻ em. Ông có ánh mắt tươi vui, nụ cười nồng hậu.

Ông già Noel ở Hà Lan có tên là Sinterclass.
Ông già Noel ở Hà Lan có tên là Sinterclass.

Vì sao trẻ em và cả người lớn của ta hay hình dung ông già Noel như vậy? Là vì người Mỹ nghĩ ông già Noel của họ như thế, sau đó vì là một cường quốc, họ truyền thông cho hình ảnh đó từ thế kỷ 19 tới nay bằng sách báo, phim ảnh, bài hát, tranh vẽ, quảng cáo.

Ngoài nước ta, nhiều nước khác hiện nay cũng sử dụng hình ảnh ông già Noel kiểu Mỹ này.

Nhưng thực ra ông già Noel của các xứ Tây Âu khá khác nhau về dáng vóc hình dung. Ví như ông già Noel truyền thống của Anh, xuất hiện từ thế kỷ 17 thường mặc áo choàng màu xanh lá cây, đầu đội vòng hoa bằng cây thường xuân và mang theo một cây trượng.

Ở Tây Ban Nha, ông già Noel không phải là một mà tới ba người. Họ được gọi là Los Reyes Magos, hay ba nhà thông thái. Trong những ngày trước El Dia de Reyes, tức là Lễ hiển linh - một nghi lễ rất quan trọng của Kito giáo diễn ra đầu tháng 1 hàng năm, trẻ em Tây Ban Nha viết thư cho nhà thông thái yêu thích của chúng - đó là Melchor, Gaspar hoặc Baltasar.

Ông già Noel do đạo diễn Mỹ Jonathan G Meath đóng năm 2010.
Ông già Noel do đạo diễn Mỹ Jonathan G Meath đóng năm 2010.

Trong khi đó, Pere Noel, tức ông già Noel người Pháp có phong cách rất độc đáo. Thay vì chiếc mũ đỏ truyền thống, Pere Noel đội chiếc mũ trùm đầu có viền lông trên chiếc áo choàng dài thời trang. Thay vì để lại sữa và bánh quy cho ông già Noel, trẻ em để lại cà rốt và đồ ăn cho con lừa biết bay của Pere Noel.

Tại Đức, ông già Noel có nhiều tên khác nhau, tùy thuộc vào các vùng khác nhau trên đất nước. Nhưng họ dùng 4 tên phổ biến nhất là Weihnachtsmann, Klaus, Nickel và Niglo. Người Đức cũng kỷ niệm Niklolaustag, hay Ngày Thánh Nicholas vào ngày 6 tháng 12.

Thay vì yêu tinh, Thánh Nick đi cùng với những nhân vật đáng sợ hơn được gọi là Aschenmann, Bartl, Boozenickel, Hans Trapp, Klaubauf, Belsnickel/Pelznickel, Ruhklas và Knecht Ruprecht. Chỉ cần đọc thôi đã dài dòng rồi. Nhưng những điều này có thể gợi nhớ ra rất nhiều câu chuyện rất Đức trong truyện cổ Grim.

Ông già Noel kiểu Nga và Ukraine. Ảnh: Megapixl.com
Ông già Noel kiểu Nga và Ukraine. Ảnh: Megapixl.com

Ở Hà Lan, ông già Noel có tên là Sinterklaas. Đây được coi là phiên bản Hà Lan của ông già Noel mà giống Thánh Nick nhất. Ông ta đội một chiếc mũ giám mục cao, màu đỏ và mang theo một cây trượng nạm ngọc. Sau khi cưỡi ngựa trắng vào từng thành phố, làng mạc hay thị trấn, ông Sinterklaas gõ cửa từng nhà để mang quà cho các bé trai và bé gái ngoan.

Trong khi trẻ em Thụy Điển gọi ông già Noel là Tomte hay Jultomten. Phiên bản ông già Noel của Thụy Điển theo truyền thống trông không hề giống ông Noel kiểu Mỹ mà giống người lùn được tìm thấy trong các truyện cổ dân gian xứ này. Vào dịp Giáng sinh, một thành viên trưởng thành trong gia đình mặc áo choàng đỏ và đeo mặt nạ Tomte trước khi phân phát quà cho tất cả trẻ em.

Ông già Noel kiểu Nga và Ukraine lại là Ded Moroz  là nhân vật trong thần thoại Slav vốn thường được miêu tả là một phù thủy hoặc ác quỷ. Theo truyền thống, ông ta sẽ trừng phạt những đứa trẻ nghịch ngợm bằng cách bắt cóc chúng. Nhưng đó là chuyện hồi xưa, sau này ông Moroz hóa thành hiền lành, đi cùng với Cô gái tuyết Snegurochka tặng quà cho trẻ em.

Tại Na Uy, ông già Noel cũng hơi giống với ông Noel Jultomten của Thụy Điển. Ông được gọi là Julenisse đến từ Bắc Cực và tặng quà cho trẻ nhỏ vào dịp Giáng sinh, nhưng ông thường mặc mặc quần áo màu xám và để râu màu xám.

Trong khi đó, các gia đình theo Lutheran tại Đức, Áo, Sec và Slovakia thì lại có “bà già Noel” có tên là Christkind hay Christ Child. Bà sẽ mang quà tới cho các em bé ngoan. Bà rất đẹp, có trang phục rất thu hút trẻ em, đầu đội vương miện và phải có mái tóc vàng xoăn dài. Bà có vẻ đẹp thiên thần và tính cách ôn hòa.

Ông già Noel ở Phần Lan tên là Joulupukki, Giáng sinh tới thì đi vòng quanh từng nhà rồi hỏi bằng tiếng Phần Lan “Onko täällä kilttejä lapsia?” (Ở đây có đứa trẻ nào ngoan không?) và sau đó phát quà. Ông lái một chiếc xe trượt tuyết do tuần lộc kéo, chứ không phải cỗ xe biết bay.

Thực ra ông già Noel thời nay, có thể tạm hiểu là “shipper” chuyển quà Noel cho trẻ em thời xưa. Ông tên là Father Christmas trong tiếng Anh. Những hình ảnh dân gian của từng nước về người đàn ông chuyển quà này, sau đó được kết hợp với hình ảnh của Thánh Nicholas, và tạo ra nhân vật thần thoại được phần còn lại của thế giới nói tiếng Anh biết đến là “Santa Claus”.

Dù sao đi nữa, ông già Noel đã là một biểu tượng mang tính toàn cầu. Mà như Jonathal Meath, một đạo diễn truyền hình nổi tiếng từng đóng vai ông già Noel vô cùng hấp dẫn vào năm 2010 nói: “Ông già Noel thực sự là biểu tượng văn hóa duy nhất mà chúng ta có mà là đàn ông, không mang súng và luôn hướng về hòa bình, hướng đến niềm vui, sự trao tặng và quan tâm đến người khác.

Đó là một phần kỳ diệu đối với tôi, đặc biệt là trong một nền văn hóa nơi chúng ta đã trở nên quá thương mại hóa và bị cuốn hút vào những biểu tượng mà người ta sản xuất ra nó. Ông già Noel chân thật và tự nhiên hơn, cũng như toàn vẹn hơn nhiều, có các kết nối với quá khứ, và do đó kết nối với tương lai”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Muôn kiểu ông già Noel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO