Hạ sốt, trị đau họng, sổ mũi, nhức đầu, ho là những loại thuốc mà vào các nhà thuốc ở Tam Kỳ đều gặp rất nhiều người đi mua trong những ngày này. Nhà thuốc nào cũng đông khách và có nhiều loại cháy hàng.
Sáng nay tôi ra tiệm thuốc tây mua hộp OTC-Star viên ngậm trị đau họng, thấy người bên cạnh đang hỏi mua Molnupiravir trị covid. Người bán bảo phải có giấy xét nghiệm dương tính hoặc toa thuốc của bệnh viện thì nhà thuốc mới bán được. “Tui có xét nghiệm dương tính mà để quên giấy ở nhà rồi, chừ làm răng?”.
“Nhà chị xa không, nếu gần thì kêu người đem ra đây tôi bán cho?”. “Cũng hơi xa”. Cuộc đối thoại đó, những người đứng gần đều nghe. Cả những người đi mua lẫn người đứng bán, chẳng ai tỏ ra hoảng sợ hay lo lắng hoặc kỳ thị như cách đây không lâu.
Lớp học của con tôi có 3 bạn là F0 và một số bạn ngồi gần thuộc diện F1 được nghỉ học, nhưng cô chủ nhiệm nói có đến 16 bạn khác cũng nghỉ học cả tuần nay vì phụ huynh sợ không an toàn nên không đưa con đến lớp. Vậy là lớp nghỉ đến hơn một nửa. Là lớp 2 nên nhiều bạn nghỉ lâu khi đi học lại không hiểu bài, chất lượng dạy học ảnh hưởng lớn. Cô chủ nhiệm phải xoay xở đủ kiểu.
Phóng viên đi công tác với lãnh đạo tỉnh, trong đoàn có một lái xe khi tới địa phương test nhanh dương tính và bị trưởng đoàn phê bình. Bạn kể, vị lãnh đạo yêu cầu anh em ở văn phòng “nếu ai chưa là F0 phải test trước khi đi công tác hoặc trước khi vào cuộc họp. Nếu đã là F0 thì phải qua thời hạn 3 - 4 tuần”.
Doanh nghiệp của bạn tôi ở Khu công nghiệp Điện Nam – Điện Ngọc đang mắc kẹt vì đơn hàng nhiều mà lao động không đủ do phải cách ly F0, F1 theo quy định. Công ty đang kiến nghị xem xét giảm thời hạn cách ly đối với F1 vì cứ nếu cứng nhắc quy định 5 ngày thì không đủ người cho các chuyền sản xuất. Nhiều F1 muốn được đi làm vì họ xét nghiệm âm tính.
Trên đây là các câu chuyện khác nhau liên quan đến chuyện “sống chung với covid”. Đã biết “zero covid” là không thể nhưng xem ra vẫn mỗi nơi mỗi kiểu. Nếu không thống nhất thì làm sao “có biện pháp phù hợp để không ách tắc công việc” như yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh trong cuộc họp thường kỳ tháng 3 mới đây?
Số ca nhiễm ghi nhận hiện lớn và con số thực tế chắc chắn lớn hơn nhiều, bởi rất nhiều người tự test và tự chữa trị mà không khai báo y tế.
Thử hình dung, khi bạn tự test ở nhà, dương tính, trong trường hợp khai báo, phải đủ các thủ tục sau: đến cơ sở y tế test lại để có giấy xác nhận dương tính; nhờ người thân cầm giấy xác nhận đến trạm y tế lấy giấy khai báo đăng ký cách ly tại nhà; mang giấy về cho người dương tính ký; mang đến cho tổ trưởng tổ dân phố ký; tiếp theo là quay lại xã/phường ký; trạm y tế ký và ở đó chính quyền ra quyết định cách ly tại nhà. Rầy rà nên nhiều người cho rằng đã tiêm đủ 2 - 3 mũi vắc xin và các triệu chứng đều nhẹ nên không khai báo mà tự điều trị.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 diễn ra cuối tuần qua, người đứng đầu Bộ Y tế đã đưa quan điểm từng bước hướng tới điều trị Covid-19 như các bệnh nhân thông thường.
Quan điểm tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu đã được Thủ tướng Chính phủ nêu tại cuộc họp trước đó vài ngày. Rất nhiều bác sĩ cũng đã đề xuất Việt Nam nên coi Covid-19 là bệnh thông thường, chuẩn bị thích ứng với thời kỳ hậu đại dịch.
Con số nhiễm covid cả nước đã lên đến hơn 100 ngàn người mỗi ngày, riêng Quảng Nam vẫn vài trăm ca/ngày nhưng nhìn chung tình hình vẫn được kiểm soát tốt, không có sự hoảng loạn nào. Vậy nên việc bỏ/thay đổi những quy định không còn phù hợp chắc chắn sẽ nhanh thôi.
Vấn đề còn lại là tư duy sống chung cũng phải phù hợp với thực tế thì cách làm mới sát đúng. Nếu không sẽ xáo trộn rất nhiều y kiểu thời kỳ “chống dịch như chống giặc” rồi mỗi nơi làm một kiểu, cả người dân và doanh nghiệp lẫn chính quyền đều lao đao.