Ngày tết, thay vì quanh quẩn trong nhà, đồng bào vùng cao tự “thiết kế” cho mình và gia đình nhiều chương trình du xuân trải nghiệm đầy thú vị và độc đáo, cầu mong một năm mới bình yên, an lành.
Về với núi
Mùng Năm Tết Nguyên đán, con suối đầu nguồn ở thôn Pứt (xã Ga Ry, Tây Giang) trở nên nhộn nhịp bởi dòng người tìm đến. Một tour trải nghiệm được chính đồng bào địa phương tổ chức trong ngày đầu năm mới, càng khiến không khí xuân thêm rộn ràng.
Gần 5 năm về nhà chồng ở Ga Ry, chị Nguyễn Thị Lược (quê ở huyện Bắc Trà My) cho biết, đây là lần đầu tiên chị theo chân người thân đến bãi suối để tắm giặt, vui chơi trong những ngày tết. Khác hơn so với quê của chị Lược, không khí tết ở xã biên giới có phần thú vị và hấp dẫn hơn bởi các trò chơi dân gian, trải nghiệm mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Đặc biệt, là tour dã ngoại được thực hiện theo phong cách “cây nhà, lá vườn”, tạo không gian vui xuân mới cho người dân địa phương.
“Những ngày tết, thời tiết ở biên giới khá nắng nóng, vì thế thay vì chỉ quanh quẩn trong nhà, bà con tự tạo không gian mới để vui xuân. Ở đây, vừa có thể dã ngoại tắm mát, vừa trải nghiệm bắt cá suối, chế biến thành các món đặc sản mang đậm truyền thống Cơ Tu” - chị Lược cho hay.
Không chỉ bà con ở xã biên giới Ga Ry, ngày tết, Pơloong Plênh - chàng trai Cơ Tu ở thôn Pơr’ning (xã Lăng, Tây Giang) vẫn giữ thói quen về với rừng. Anh tự mình tổ chức chương trình “du xuân trên ngàn”, thực hiện các chuyến ngược núi, thưởng ngoạn phong cảnh mùa xuân. Pơloong Plênh nói, đây cũng là dịp để anh cùng nhóm bạn “trở về” với miền ký ức tuổi thơ bằng chính đời sống dân dã, văn hóa đón tết cổ truyền của đồng bào Cơ Tu.
Năm nay, do dịch Covid-19 nên chương trình của Plênh vắng khách ngoại quốc, cũng như một số người bạn thân quen ở xa như Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Dù vậy, Pơloong Plênh nói anh sáng kiến “lấp khoảng trống” bằng cách rất riêng của mình, cùng đưa vợ con tham gia tour du lịch trải nghiệm độc đáo này. “Ngày tết, trở về với núi, với rừng, được hòa mình vào thiên nhiên, cảm giác đầy hứng khởi và an yên” - Pơloong Plênh chia sẻ.
Theo hội tạ ơn
Hòa theo nhịp trống chiêng rộn rã, những phụ nữ Ca Dong ở thôn 1 (xã Phước Gia, Hiệp Đức) xúng xính trong sắc phục truyền thống nhún nhảy một vòng tròn quanh trụ cây nêu. Anh Hồ Văn Châu, một người dân địa phương cho hay, đó là lễ hội tạ ơn thần lúa được đồng bào địa phương gìn giữ từ bao đời. Năm nay, lễ hội do hộ gia đình Hồ Văn Bôi đảm nhiệm, quy tụ rất đông bà con tham dự.
“Ngoài mục đích cúng tạ ơn thần rừng, thần lúa suốt một năm qua đã chở che dân làng no ấm, lễ hội còn là dịp để du khách và bà con lân cận tìm đến không gian vui xuân trải nghiệm và thưởng thức nét văn hóa độc đáo của đồng bào địa phương” - anh Châu nói.
Ở Hiệp Đức, người Ca Dong, Mơ Nông thường duy trì lễ hội ăn trâu tạ ơn thần lúa. Lễ hội này diễn ra vào thời điểm mùa xuân, ngay sau Tết Nguyên đán và được xem như dịp tết truyền thống của đồng bào địa phương. Vì thế, lễ hội thường kéo dài 1 - 2 ngày, với sự tham gia của cả cộng đồng làng. Họ vui say múa hát trống chiêng, quây quần bên nhau và cùng thưởng thức các món ăn truyền thống. Lễ hội cũng diễn ra với hàng hoạt lễ nghi cúng thần lúa, thần rừng, cầu mong một năm mới dân làng được bình an, no ấm.
Là một trong số bạn trẻ tìm đến lễ hội du xuân, ghi lại khoảnh khắc đẹp trong đầu năm mới, Hồ Thị Bé (sinh viên Trường Đại học Quảng Nam) bày tỏ ấn tượng khi chứng kiến một hội làng mang đậm sắc màu truyền thống của đồng bào vùng cao. Không chỉ hòa vào những vũ điệu truyền thống, chị Bé và nhóm bạn còn được thưởng thức nhiều món ăn ngon lạ, cùng trải nghiệm không gian văn hóa của đồng bào Ca Dong trong ngày tết. Vì thế, chị Bé nói, chuyến du xuân lần này để lại rất nhiều kỷ niệm đẹp, giúp những người trẻ như chị hiểu nhiều hơn về văn hóa cộng đồng vùng cao.
“Thích nhất là những điệu múa dân vũ của đồng bào quanh trụ cây nêu và nhịp cồng chiêng ngân vang trầm hùng như mời gọi thần linh, dân làng cùng về chung vui lễ hội. Ngày tết, những cuộc du xuân như thế này thật ý nghĩa” - chị Bé chia sẻ.