Muôn nẻo hàng Việt Nam xuất khẩu

THỤY VŨ – THỤC ANH 27/12/2014 15:29

Từ khi cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng thông tin hàng hóa kém phẩm chất trôi nổi trên thị trường đã giúp người tiêu dùng quay về với hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, kẻ gian đã lợi dụng tâm lý tiêu dùng của người Việt để tung ra những chiêu bán hàng lấy mác hàng “Việt Nam xuất khẩu”.

Giả hàng Việt xuất khẩu

Vài năm gần đây, trên thị trường thời trang quần áo ở TP.Tam Kỳ, Hội An… xuất hiện cửa hàng quần áo, giày dép đóng mác “Việt Nam xuất khẩu” (VNXK). Tuy nhiên, không ai biết đó có thực sự là hàng VNXK hay chỉ là nguồn hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng đang “đội lốt”. Tuy không rầm rộ và ào ạt như tại các thành phố lớn, nhưng không khó để tìm ra cửa hàng quần áo treo biển VNXK hoặc cửa hàng có mác hàng “made in Viet Nam” trên các tuyến đường Phan Châu Trinh, Hùng Vương (TP.Tam Kỳ) hay đường Cửa Đại, Trần Hưng Đạo (TP.Hội An)… Có mặt tại một cửa hàng thời trang VNXK trên đường Phan Châu Trinh (TP.Tam Kỳ), chúng tôi không khỏi hoa mắt trước vô số quần áo của thương hiệu lớn như Zara, Mango, Levi’s… và đều gắn nhãn “made in Viet Nam”. Theo lời giới thiệu của nhân viên bán hàng, quần áo tại đây đều là hàng xuất khẩu, được các doanh nghiệp trong nước gia công theo đơn đặt hàng của công ty thời trang nước ngoài. Trong khi đó, chủ cửa hàng quần áo chợ Trung tâm thương mại thì giới thiệu: “Quần áo bán ở cửa hàng đều là hàng xuất khẩu xịn, là những sản phẩm thừa, hoặc bị lỗi của các công ty may xuất khẩu tuồn ra ngoài bán, chỉ có người thân quen mới có thể đặt và lấy hàng”.

Khách mua áo quần tại một cửa hàng bán hàng Việt Nam xuất khẩu.Ảnh: THỤC ANH
Khách mua áo quần tại một cửa hàng bán hàng Việt Nam xuất khẩu.Ảnh: THỤC ANH

Thế nhưng, theo một vài doanh nghiệp dệt may chuyên nhận đơn hàng gia công của các thương hiệu thời trang bình dân nổi tiếng thế giới thì câu chuyện hoàn toàn ngược lại. Một doanh nghiệp tiết lộ, khi công ty nước ngoài ký hợp đồng gia công hàng may mặc với doanh nghiệp Việt Nam đều kiểm tra, giám sát, nghiệm thu chất lượng và số lượng sản phẩm theo quy trình hết sức nghiêm ngặt. Với những mặt hàng bị lỗi, sẽ “tuồn” ra thị trường với số lượng rất ít, nếu có. Các doanh nghiệp dệt may xuất khẩu chính thống với cơ sở sản xuất được đầu tư lớn và hiện đại, là khách hàng thường xuyên và truyền thống của các thương hiệu thời trang lớn sẽ không dại gì sản xuất hàng nhái số lượng lớn. Bởi, nếu vụ việc vỡ lỡ thì ngoài chuyện bị ngưng hợp đồng vĩnh viễn còn phải chịu mức phạt rất cao, ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động kinh doanh lâu dài của doanh nghiệp. Vì vậy, có thể trên thị trường vẫn bán những mẫu quần áo, giày dép… là hàng xuất khẩu thật, nhưng số lượng không thể nhiều đến mức chất thành thùng, đống trong cửa hàng.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo

“Với số lượng vài chục cái bị lỗi đã bị các đại lý chuyên săn hàng xuất khẩu hốt hết, tiêu thụ ngay tại thị trường TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội chứ làm gì còn hàng để đưa về các thị trường thời trang không mấy sôi động như tỉnh lẻ Quảng Nam. Hàng giả, hàng nhái lấy danh hàng VNXK hết đó mà”- một chủ cửa hàng chuyên bán hàng VNXK có tiếng trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.Hồ Chí Minh), chia sẻ. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Kim Thoa (nhân viên Viettel, chi nhánh Quảng Nam) cho biết, ban đầu thấy một số cửa hàng ở Tam Kỳ, Đà Nẵng rao bán hàng VNXK, chị Thoa cũng lò dò vào mua. Tuy nhiên, “các sản phẩm VNXK ở đây về hình thức thì giống nhưng kém hẳn về đường may, chi tiết kiểu dáng cho đến chất liệu vải. Cũng cùng chiếc áo mango tôi mua trong cửa hàng VNXK ở TP.Hồ Chí Minh (được xem là VNXK thật sự) có giá gần 300.000 đồng nhưng tại cửa hàng ngoài này chỉ có giá 150.000 đồng/cái. Số lượng áo trưng bày nhiều, chất liệu thua kém hẳn, giá rẻ bèo… Với những lý do đó, liệu khách hàng có nên tin là hàng VNXK thực sự chăng?”- chị Thoa đặt câu hỏi.

Đầu tháng 12 vừa qua, Công an TP.Hà Nội đã bắt giữ hơn 40 tấn hàng lậu, trong đó chủ yếu là sản phẩm quần áo, giày dép, túi xách thời trang. Nếu không bị phát hiện, rất có thể số hàng hóa này sẽ được phù phép thành hàng “made in Viet Nam”, chui qua các cửa hàng VNXK để đến tay người tiêu dùng. Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Đặng Phương Dung, hàng giả hàng nhập lậu đang hủy hoại và triệt tiêu những cố gắng của nhiều doanh nghiệp dệt may trong nước. Các doanh nghiệp dệt may khó có thể cạnh tranh về giá, thường phải né sang những mảng ít sức ép hơn, khiến hiệu quả kinh doanh giảm và hạn chế phát triển. Ngoài việc gây thất thu ngân sách nhà nước, hàng giả hàng còn là nguyên nhân khiến thị trường rối loạn và khó kiểm soát. Bên cạnh đó, các mặt hàng này còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới sức khỏe người tiêu dùng do nguồn gốc sản phẩm không được đảm bảo. Trong khi đó, Phó Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam Vương Ngọc Tuấn cho biết, lĩnh vực dệt may vô cùng phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã sản phẩm và có nhiều cấp độ khác nhau để người tiêu dùng chọn sử dụng. Trên thực tế, người tiêu dùng biết rõ hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn cố tình mua và chấp nhận vì giá rẻ. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, phụ thuộc vào chính ý thức của họ, cơ quan quản lý nhà nước chỉ có thể kiểm tra và phát hiện, xử lý hành vi vi phạm.

Để khắc phục tình trạng trên, bà Đặng Phương Dung kiến nghị, mỗi doanh nghiệp nên có ý thức hơn trong việc bảo vệ thương hiệu như sử dụng tem chống hàng giả, xây dựng hệ thống phân phối riêng, có tiêu chí và chỉ dẫn rõ ràng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần xây dựng thái độ, ý thức và thông minh hơn mỗi khi chi tiền mua sắm quần áo, phải hiểu rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, chi tiết sản phẩm…

THỤY VŨ – THỤC ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Muôn nẻo hàng Việt Nam xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO