Gần cuối năm, khách du lịch về Hội An mỗi lúc một đông. Hòa chung dòng người hối hả, những người khuyết tật vẫn lặng lẽ rảo bước khắp các ngóc ngách trong lòng phố cổ để bán từng con tò he, dầu xoa… với mong muốn có cái tết đầm ấm bên gia đình.
1. Trong làn sương sớm bao trùm lên những dãy nhà cổ, ông Lê Viết Khá (mọi người hay gọi là ông Tư; trú tại khối phố Thanh Nam, phường Cẩm Châu, TP.Hội An) trên chiếc xe lắc hướng về phía Quảng trường Sông Hoài. Dừng xe ở vệ đường, ông nhích người để lê thân mình xuống đất rồi trải dài chiếc chiếu manh bày bán đủ thứ sản phẩm như tò he, quạt giấy… Đã gần 70 tuổi, sức khỏe phần nào suy yếu nhưng mười mấy năm nay, công việc này đã giúp ông không còn là gánh nặng của vợ con. Ông Tư cho biết, ngày nào ông cũng có mặt ở đây từ lúc 5 giờ sáng, vì thời điểm này khách du lịch và người dân thường tụ tập ở quảng trường để tập dưỡng sinh. Có hôm khách hàng ghé đến mua nhiều, thấy mình bị khuyết tật, di chuyển khó khăn, nhiều người tự đến lựa, lấy hàng rồi trả tiền. Ông Tư kể rằng, ông bị cụt 2 chân trong một vụ nổ mìn, nằm mê man một thời gian mới vượt qua cơn thập tử nhất sinh. Chán nản khi bỗng chốc trở thành gánh nặng của vợ con, ông lại không tài nào vác cuốc ra đồng vun xới thửa đất để trồng hàng khoai, vạt bắp. Bao nhiêu gánh nặng đổ dồn lên đôi vai của người vợ khi một tay nuôi dưỡng 4 đứa con và phải chăm lo cho người chồng tật nguyền. “Từ ngày bị tàn tật, tôi thấy bất lực trước cuộc sống. Khi được Nhà nước hỗ trợ chiếc xe lắc và nhờ bà con, hàng xóm khuyến khích, tôi đi nhận tò he của các cơ sở sản xuất rồi đem bán cho khách du lịch nên tìm lại được niềm vui trong cuộc sống” - ông Tư bộc bạch.
Ông Lê Viết Khá bán tò he. |
Thay vì rao bán hàng, ông Tư lăn xe quanh những con đường trong phố cổ rồi thổi tò he cho khách thưởng thức và mời mua hàng. Nhiều khách Tây thấy thích thú nên nán lại để nghe. Với bản tính đôn hậu, vui vẻ, vừa bán hàng, ông vừa kể chuyện cho khách nghe làm nhiều người quý mến. Bà Lê Thị Tâm, một người dân sống trên đường Lê Lợi bày tỏ: “Bữa nào vắng bóng ông Tư ở ngã tư Lê Lợi là khu phố thiếu đi cái gì đó. Trong buôn bán, ông Tư luôn thật thà, không bao giờ hét giá với khách. Dù là khách nước ngoài hay người Việt, ai mua đồ của ổng cũng thuận lòng”. Mười mấy năm gắn bó với công việc cũng là chừng ấy thời gian ông Tư chứng kiến những nét đẹp, sự đổi thay của phố cổ và tấm lòng của người dân nơi đây. Những đồng tiền chắt chiu được, ông phụ góp cùng vợ nuôi 4 đứa con khôn lớn. “Ngày bán được thì thu nhập chừng năm bảy chục nghìn đồng, cũng có khi chỉ bán được vài con tò he, đôi quạt giấy. Thu nhập không được bao nhiêu nhưng tôi cảm thấy ưng cái bụng vì thấy mình còn có ích” - ông Tư trải lòng.
Ông Phạm Văn Định kể chuyện mưu sinh. Ảnh: D.THÁI |
2. Trên đường Trần Phú - Lê Lợi, người dân phố Hội chắc hẳn đã quá quen thuộc với hình ảnh ông Phạm Văn Định (59 tuổi) bán dầu xoa mưu sinh. Một chân bị cụt, đôi mắt bị mù, ông Định di chuyển khó nhọc với chiếc nạng gỗ và cây tre dò đường. Ông Định cho biết, quê ông ở thôn Trà Kiệu Tây, xã Duy Sơn (Duy Xuyên). Năm 12 tuổi, trong một lần đi chăn trâu thuê, ông dẫm phải mìn khiến đôi mắt bị hỏng và mất một chân phải. Sau đó, ông được gửi vào cô nhi viện để học nghề đan lát và bắt đầu cuộc sống mưu sinh. Trên bước đường mưu sinh, ông gặp người đồng cảnh ngộ là bà Nguyễn Thị Tưởng (bị mất đôi chân) và nên duyên vợ chồng. Có được cái nghề trong tay, vợ chồng ông trở về làng Trà Kiệu. Mấy chục năm qua, ông Định phải ngược xuôi xuống Hội An để bán những chiếc quạt nan bọc giấy xi măng cho khách du lịch. Bây giờ sản phẩm này đã lạc hậu, đôi tay không còn nhanh nhẹn như xưa, quạt giấy lại không cạnh tranh được các sản phẩm khác nên ông mua dầu bạch hổ bán mong có chút thu nhập để cải thiện đời sống gia đình. “Mỗi ngày, tôi dậy sớm rồi đi bộ dọc các tuyến đường chính để bán, sau đó tôi ngồi ở ngã tư đường Lê Lợi - Trần Phú rao bán cho đến tối. Những ngày giáp tết, khách du lịch về Hội An ngày càng đông nên sản phẩm dễ bán được. Tính ra mỗi ngày cũng lời được vài ba chục nghìn đồng” - ông Định chia sẻ.
Kinh tế gia đình khó khăn, vợ ông Định bị cụt hai chân, mất sức khỏe lao động 80% nhưng cũng phải nuôi thêm vài con gà, trồng ít rau để phụ giúp kinh tế gia đình. Còn ông Định vẫn miệt mài với công việc của mình, cứ nữa tháng sau khi tích góp được một số tiền lại bắt xe về quê chăm lo cho người vợ. May thay, thấy hoàn cảnh đáng thương của ông Định khi xuống Hội An mưu sinh, một người dân ở đây thương tình cho ở trọ miễn phí, thế là bớt đi được một khoản tiền. Mỗi lần ở quê xuống, có món quà quê gì dù nhỏ, ông cũng đem biếu chủ nhà để bày tỏ tấm lòng tri ơn. Ngày tết sắp đến, ông Định chia sẻ trong niềm vui: “Dù cuộc sống vất vả, bản thân tật nguyền nhưng những đồng tiền mình tự tay kiếm ra để sắm ít hạt dưa, bánh kẹo đón tiếp bà con, chòm xóm đến chơi là một hạnh phúc thật sự, cửa nhà thêm ấm áp”.
DUY THÁI