Tháng 4, thời điểm quan trọng trong công tác tuyển sinh học nghề của các trường, trung tâm dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Một ngày hội hướng nghiệp và tuyển sinh đã thu hút đông đảo các trường nghề tham gia.
Giáo viên trường nghề tư vấn giúp phụ huynh, học sinh có thêm nhiều lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai. Ảnh: D.L |
Vất vả tuyển sinh, rồi vất vả dạy dỗ nhưng không dễ gì giữ được trọn vẹn số học sinh (HS) đi học nghề cho đến khi kết thúc khóa đào tạo. Vì thế, tư vấn tuyển sinh chặt chẽ ngay từ đầu là phương thức được các trường nghề áp dụng triệt để, vừa thu hút người học nghề, vừa đảm bảo đào tạo được nguồn nhân lực đáp ứng cho sự phát triển trong tương lai.
Giúp xác định hướng đi
Trung tâm Dạy nghề Duy Xuyên vừa tổ chức “Ngày hội hướng nghiệp và tuyển sinh học nghề” với sự tài trợ của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi quan điểm của phụ huynh (PH) và HS trong việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Ngày hội thu hút sự quan tâm của hơn 700 PH, HS và nhiều thầy cô giáo ở các trường THCS trên địa bàn huyện Duy Xuyên tham dự. Các Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam, Cao đẳng Nghề Đà Nẵng, Trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam và Trung cấp Văn hóa - nghệ thuật Quảng Nam đã đến tư vấn, thuyết trình. Ông Phan Văn Bình - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Duy Xuyên nói: “Chúng tôi lựa chọn HS lớp 9, thay vì HS THPT như trước kia, để tư vấn nghề nhằm định hướng sớm hơn, để các em cùng với cha mẹ mình hoạch định tương lai học tập một cách hợp lý nhất. Chúng tôi muốn giúp cho HS và cả PH hiểu rằng đại học không phải là con đường duy nhất để vào đời thành công. Ngày hội thu hút đông PH là một thành công lớn, khi lâu nay các bậc làm cha làm mẹ vẫn luôn quan tâm đến tư vấn tuyển sinh đại học chứ ít quan tâm đến việc cho con em mình học nghề”.
Qua trao đổi với các em HS, chúng tôi nhận ra rằng, dường như HS bậc THCS đang lựa chọn nghề trong tương lai theo cảm tính và chạy theo số đông. Hầu hết các em nghĩ rằng chỉ vào được một trường đại học nào đó mới có thể có được một việc làm tốt, ổn định. Em Hứa Thị Minh Hiếu (Trường THCS Kim Đồng, xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) chia sẻ: “Em đang rất băn khoăn về nghề nghiệp của bản thân khi chuẩn bị học lên cấp THPT. Lâu nay, các nghề mà em hướng đến đều thông qua bạn bè chia sẻ với nhau. Nhiều lúc thấy các nghề “hot” hiện nay bản thân cũng muốn học nhưng việc học xong có dễ dàng tìm được việc làm hay không thì em mù mờ không biết. Đến ngày hội hướng nghiệp này, em mong các thầy cô sẽ giúp bản thân có được lựa chọn tốt nhất về một nghề phù hợp với năng lực của mình và có thể tìm kiếm một việc làm ổn định sau này”.
Đa dạng phương thức tuyển sinh
Ngày hội hướng nghiệp và tuyển sinh dành cho trường nghề thực sự là cơ hội tốt để trường nghề khẳng định tầm quan trọng của việc học nghề. Đưa ra những bằng chứng, con số cụ thể, giáo viên các trường nghề đã nêu lên thực tế nhiều người tốt nghiệp đại học bằng giỏi, khá nhưng vẫn khó tìm kiếm việc làm. Tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” ở thị trường lao động Việt Nam cũng được phân tích cụ thể. Bà Trần Thị Thạch - Trưởng phòng Đào tạo và nghiên cứu khoa học (Trường Cao đẳng nghề Quảng Nam) cung cấp thông tin quý giá cho các bậc PH-HS: “Nhu cầu lao động từ nay đến năm 2020 của tỉnh Quảng Nam là rất lớn. Bình quân mỗi năm cần 40 nghìn lao động, phần lớn yêu cầu là lực lượng lao động có tay nghề. Bên cạnh đó, cần phải đào tạo một lực lượng lao động đủ năng lực nghề nghiệp để tham gia xuất khẩu lao động tại các nước có thu nhập cao. Vì thế, học nghề không nên là lựa chọn cuối cùng, mà nên là một trong những lựa chọn ưu tiên”.
Năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán là các trường nghề lo thành lập hội đồng tuyển sinh cho năm học tiếp theo. Tuyển sinh được thực hiện theo nhiều cách, như thông tin trên báo, đài, đặc biệt là hệ thống truyền thanh huyện, trạm phát thanh xã. Các trường còn phát hành tờ rơi nhân dịp các đợt thi tốt nghiệp, cao đẳng, đại học; đồng thời huy động đội ngũ cán bộ - giáo viên cùng tham gia tuyển sinh, mỗi người là một cộng tác viên đắc lực. Nhiều trường liên hệ làm việc với các doanh nghiệp để tạo nguồn việc làm cho học sinh sau khi ra trường; thường xuyên củng cố việc tuyển sinh tại chỗ. Các cơ sở đào tạo nghề còn thành lập tổ tuyển sinh đi về tận huyện, xã làm việc với địa phương để nắm nguồn, thậm chí đến từng gia đình có con em đang học THCS hoặc THPT để tư vấn... Hay vào giờ chào cờ những tuần cuối của năm học ở các trường THCS, THPT, các trường nghề phối hợp với nhà trường tổ chức buổi giới thiệu, tư vấn nghề cho HS. Có khi tư vấn cho bố mẹ HS trong các cuộc họp phụ huynh, về chế độ, chính sách, việc làm khi con em họ chọn học trường nghề. Các trường nghề còn liên hệ các trường THCS, THPT xin danh sách HS thi hỏng vào lớp 10, HS bỏ học giữa chừng khi học THPT, để đến tận nhà tư vấn cho các em học nghề...
DIỄM LỆ - ĐOÀN ĐẠO