Cuối đông, mưa kéo dài lê thê, phủ một khung cảnh u ám trên vùng đất “cao sơn ngọc quế”. Vào đầu vụ gieo trồng, nhiều lão nông nhìn những vạt ruộng bỏ hoang còn phủ dày lớp đất nhão nhoẹt mà tiếc xót. Lũ quét, sạt lở đất đi qua gần 2 tháng, nhưng còn đó những nỗi lo mà người dân trong vùng thiên tai đang gồng gánh xoay xở.
Cây cầu tạm đặt gần vị trí cầu treo cũ ở thôn 2, xã Trà Nú (Bắc Trà My) đã bị hư toàn bộ.Ảnh: HỮU PHÚC |
Mưa dầm cuối đông. Đường về các xã vùng cao huyện Bắc Trà My hun hút, thưa bóng người xe ngược xuôi, không còn sự nhộn nhịp thường thấy cũng vào thời điểm này những năm trước.
Còn lại xác xơ
Mới hơn 10 giờ sáng, núi rừng Trà Đông (Bắc Trà My) trắng xóa bởi cơn mưa nặng hạt. Trên đường chở tôi về nhà bằng xe máy, Nguyễn Tiến (thôn Định Yên, xã Trà Đông) có vẻ sốt sắng lo khách hơn mình, do chiếc áo mưa tiện lợi mặc rách tả tơi. Ngày mưa không đi làm công được, vợ đang mang thai đứa thứ hai, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” lộ trên khuôn mặt xương xẩu của người đàn ông này. Tiến bảo, cái quầy tạp hóa nhỏ ven đường mở ra cho vợ bán nhưng ế ẩm lắm. Nguồn sống của gia đình phụ thuộc chính vào anh. Tiền công trồng, khai thác keo mỗi ngày hơn 200 nghìn đồng, nhưng thời tiết xấu kèm theo đường sá hư hỏng xe tải không vào được nên thanh niên trong làng ít việc hơn. “Nghề làm keo ngó rứa chứ rất cần lao động, ai siêng năng thì có đồng ra đồng vô. Nhưng cả tháng qua mưa gió, tôi bó gối ngồi không. Tết này chắc buồn hơn” - Tiến thổ lộ.
Thiếu đất rẫy sản xuất, thanh niên, phụ nữ ở miền núi thường đi làm thuê, nhận khoán bảo vệ rừng… Còn với đồng bào Co ở xã Trà Nú (Bắc Trà My), 4 năm qua đã quen thuộc với công việc chăm sóc vườn cao su. Nhưng nhiều lao động người Co năm nay bỏ việc ở Nông trường cao su Bắc Trà My do tiền nhân công quá rẻ. Bà Trần Thị Hồng Thúy - Chủ tịch UBND xã Trà Nú nói: “Sau thiên tai, nguy cơ tái nghèo đang hiện ra trước mắt. Thiệt hại về hạ tầng giao thông, thủy lợi khá lớn nhưng chậm khắc phục, kéo theo nỗi lo đồng bào Co sẽ không sống nổi với đồng tiền eo hẹp từ chăm sóc vườn cao su trong giai đoạn kiến thiết cơ bản”.
Bà Nguyễn Thị Cúc (thôn Dương Tân, xã Trà Dương) cho biết: “Phần lớn ruộng kề chân núi ở đây đều bị bồi lấp, không canh tác được”. |
Trên “thân thể” thẳm xanh của cánh rừng Trường Sơn lẫn rừng keo trồng của người dân, không khó bắt gặp những “vết thương” lở loét nhuốm màu đỏ của đất bazan. Đây là hệ lụy của thảm họa thiên tai vừa qua. Những vết loang lổ chảy dài ở nhiều vị trí, khu vực cắt ngang qua sườn núi, khu rừng. Sạt lở đất núi gây đổ sụp nhà cướp đi mạng sống của ông Nguyễn Đình Sơn (thôn 3, xã Trà Đông). Ngôi nhà ấy đổ nát, vùi lấp một phần trong núi, ám ảnh bóng làng. Mất chồng, mất nhà, những ngày sau thảm họa, gia đình bà Nguyễn Thị Bông sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Ngôi nhà mới xây nằm trong khu dân cư của xã do Trung đoàn 885 thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (đóng tại xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước) hỗ trợ cho bà Bông đang trong giai đoạn thi công nước rút để kịp bàn giao trước Tết Nguyên đán. Tuy không có thiệt hại về người như địa bàn Trà Đông, nhưng hiện tượng lũ quét, lở đất đã càn quét qua nhiều bản làng, gây thiệt hại nặng cho đồng bào dân tộc thiểu số Co ở xã Trà Nú. Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Thủy (thôn 2, xã Trà Nú) chỉ còn đống gạch đổ nát. Sát bên, cây cầu treo bắc qua sông đã bị xóa sổ. Hai trụ mố cầu bằng bê tông cốt thép đặt 2 bên bờ sông đổ gãy. Dấu vết dâng cao của đỉnh lũ còn dính đầy rác trên các bụi cây. Sau lũ vài ngày, chính quyền khẩn cấp làm một cây cầu tạm song song với cầu treo cũ để phục vụ cho nhân dân qua lại. Cuộc sống của đồng bào Co đã trở lại bình thường, nhưng khung cảnh xác xơ sau thiên tai gần như vẫn còn đó.
“Sa bồi; thủy phá”
Cánh đồng Bộ Đội (thôn Định Yên, xã Trà Đông), bất chấp ngày mưa, người dân vẫn tranh thủ kéo ra dọn dẹp, vận chuyển đất đá bồi lấp đưa ra nơi khác. Sau các đợt lở đất chảy tràn xuống ruộng đồng, chính quyền đã huy động hội đoàn thể, lực lượng bộ đội giúp dân. Nhưng khối lượng đất đá bồi lấp vào diện tích sản xuất quá lớn, đang gây trở ngại cho vụ đông xuân. Nhìn hơn 2 sào đất ngập ngụa bùn đất bồi lấp, một lão nông ở thôn Định Yên lắc đầu: “Đất bồi lấp nhão nhoẹt, có nơi dày gần nửa mét, gia đình huy động hơn 10 ngày công vẫn chưa khắc phục xong. Tôi thiếu đất canh tác nên làm như vầy, chứ nhiều nông dân khác bỏ hoang luôn vụ đông xuân”.
Cũng ở xã Trà Đông, cánh đồng Cống Vượt Đình (thôn Phương Đông) được cho là thiệt hại nặng nhất bởi hiện tượng “sa bồi, thủy phá”, khi có nơi bị bồi lấp dày nửa mét, thậm chí gần cả mét. Với thao tác thủ công như dùng cuốc xẻng hầu như không đem lại hiệu quả. Vì vậy, chính quyền phải thuê xe cơ giới đến xử lý nhưng tiến độ rất chậm, nhiều khả năng hàng chục héc ta sẽ bỏ hoang trong vụ đông xuân. Chủ tịch UBND xã Trà Đông - Dương Minh Anh than vắn thở dài: “Địa phương rất khó khăn trong khắc phục hậu quả bồi lấp đồng ruộng. Ở nơi bị lấp nặng, đòi hỏi phải xử lý bằng xe cơ giới, song nguồn lực rất hạn chế. Ngoài đất trồng lúa, đất trồng keo của dự án WB3 cũng bị thiệt hại nặng”. Theo thống kê của UBND xã Trà Đông, trong số 25ha diện tích bị “sa bồi thủy phá”, có đến 16ha ở mức độ rất nặng, không thể can thiệp bằng biện pháp lao động thủ công, hàng chục hộ vì thế không sản xuất lúa được.
Vác nông cụ trên vai chuẩn bị dọn đất làm đồng, bà Nguyễn Thị Cúc (thôn Dương Tân, xã Trà Dương) nói: “May mắn cho gia đình là còn vài sào ruộng chưa bị bồi lấp. Trong đợt sạt lở vừa qua, tôi bị mất trắng nửa héc ta keo hơn một năm tuổi. Phần lớn ruộng kề chân núi ở đây đều bị bồi lấp, không canh tác được”. Cùng thôn Dương Tân, gần 4 sào đất lúa của bà Nguyễn Thị Lào gần 2 tháng nay như bãi tập kết đất đá. Tuổi cao sức yếu, bà Lào không còn sức và cũng không đủ tiền để thuê lao động cải tạo đồng ruộng. “Nông dân làng này bao đời sống chết cũng từ đất lúa, chừ bỏ hoang hóa, xót xa lắm!” - bà Lào bộc bạch.
Đi qua những cánh đồng bị bồi lấp mới hiểu được nỗi lo canh cánh của nông dân, đan xen tâm lý “bỏ thì vương, thương thì tội” ở các xã vùng thấp của Bắc Trà My. Không chần chừ, ỷ lại cấp trên, ngành nông nghiệp địa phương triển khai nhiều phương án cải tạo đồng ruộng. Trong đó, hướng dẫn UBND các xã bị thiệt hại tập trung chỉ đạo san lấp diện tích sản xuất nông nghiệp bị xói lở và nạo vét kênh. Hàng chục hộ dân bị sập nhà được bố trí đất ở để xây dựng lại nhà, kèm theo chính sách hỗ trợ sản xuất. Bên bãi đất bồi đã xuất hiện những vạt ruộng lúa mơn mởn xanh. Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My - Trần Anh Tuấn cho hay, chính quyền đã và đang đồng hành với nông dân khắc phục hậu quả thiên tai. Riêng những diện tích đất ruộng bị bồi lấp không thể khắc phục, sẽ có phương án chuyển đổi cây trồng phù hợp cho từng địa phương.
Ngày cuối năm. Người dân vùng thiên tai lại chất chồng âu lo, phiền muộn.
Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC