Vay mượn ý tưởng để sáng tạo nên cái mới đẹp hơn, ưu việt hơn, có lẽ là vấn đề xưa như trái đất nhưng đến giờ vẫn cứ dai dẳng tồn tại chẳng thể nào chấm dứt được. Vậy, “mượn” hay “đạo” ý tưởng cái nào có thể chấp nhận được?
“Mượn” tức là bạn đã xin phép chủ nhân hoặc người sở hữu thứ bạn cần mượn và đã được sự đồng ý. Còn “đạo” hay “nhái” thì cũng như nhau cả, đều là hành động có vẻ không được đàng hoàng cho lắm, đặc biệt là khi người ta làm điều này để phục vụ cho mục đích kinh doanh dựa trên ý tưởng của người khác. Rất khó để đánh giá đúng sai, thật giả về sự xuất hiện của ý tưởng bởi đa số đều dựa vào cảm quan nhìn nhận của mỗi người. Chính vì thế, với những người làm công việc sáng tạo luôn đối mặt với áp lực vô cùng lớn. Chỉ cần một phút không trung thực với bản thân là rất dễ bước qua cái ranh giới giữa “đạo”, “nhái” và “vay mượn”.
Thời đại 4.0 công nghệ phát triển như vũ bão thì không khó để độc giả phát hiện ra những tác phẩm “đạo”, “nhái”. Còn nhớ quảng cáo ấn tượng của Điện Máy Xanh năm 2016 với một màu xanh ngập tràn màn hình cùng ý tưởng được đánh giá khá “điên rồ” khi vừa tung ra. Hình ảnh vui nhộn, giai điệu ngọt ngào cùng câu nói gây ám ảnh lan truyền: “Bạn muốn mua tivi, đến Điện Máy Xanh!”. Và rồi hai năm sau, nữ ca sĩ X. cũng cho ra một MV mượn ý tưởng từ quảng cáo này. Khán giả có người khen kẻ chê nhưng nhìn chung vẫn nằm trong giới hạn chấp nhận được của đôi bên. Chỉ với một dòng chữ ngắn “Lấy cảm hứng từ…” kèm theo mỗi sản phẩm, tôi tin bấy nhiêu đấy thôi cũng đủ thể hiện sự văn minh trong cách ứng xử của người “đi mượn”. Chẳng những thế, đó cũng là lời tri ân, tôn trọng người đã truyền lửa cho mình thì tại sao không làm?
Nếu có ai đó ở ngoài cuộc bảo tác giả cần bình tĩnh và mặc kệ vì có hay, có giỏi người ta mới “đạo”, “nhái” thì hoàn toàn sai. Việc chúng ta làm ra những tác phẩm chất lượng tốt không đồng nghĩa với việc người khác có thể tùy ý sử dụng mà không xin phép, hoặc không được sự đồng thuận. Hiện nay, trong lĩnh vực yêu cầu sức sáng tạo, người trẻ có rất nhiều lợi thế bởi sự đa dạng về ý tưởng, lòng nhiệt huyết. Nhưng thật tiếc vì một số người trẻ lại chọn cách đi “đường tắt” để đến đích thành công khi ăn cắp chất xám của người khác. Vài trang báo mạng “vô tư” mượn hình ảnh, nội dung của một vài người “dễ tính” làm chất liệu, nội dung cho các bài báo mà không ghi nguồn. Người ta bỏ công đi du lịch, trải nghiệm rồi viết bài review chân thật để cho một cá nhân trục lợi từ điều đó chẳng phải vô lý và bất hợp pháp?!
Hệ lụy của việc “vay mượn” và “đạo”, “nhái” có tác hại không nhỏ như nhiều người vẫn nghĩ. Dễ thấy là văn hóa, tư cách người làm nghệ thuật, người truyền cảm hứng bị tha hóa; độc giả, khán giả cảm thấy bị “lừa”, thậm chí, bản thân người sở hữu cũng cảm thấy tổn thương và mất niềm tin vào thứ họ đang làm. Suy cho cùng, điểm mấu chốt nhất của câu chuyện “vay mượn” hay “đạo”, “nhái” chính là lương tâm của người làm nghề. Một cộng đồng cùng đi lên chỉ khi người ta biết nghĩ về cái chung, tôn trọng cái riêng và cùng nhau học hỏi để tiến bộ, phát triển thay vì suốt ngày lấp liếm “ăn cắp”…