Người ta bảo Sài Gòn chỉ có hai mùa nắng và mưa. Còn tôi, tôi gọi Sài Gòn bằng cái tên thân thương: Mùa xa và nhớ! Đó là cảm giác của tôi khi từ Quảng Nam trở lại Sài Gòn vào một ngày tháng Tám… Sài thành không phải ai đến cũng yêu ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Sài Gòn - những mảnh đời mưu sinh. Ảnh: H.N.T |
Sau ba năm, bây giờ quay lại tôi thấy Sài Gòn vẫn vậy, xô bồ và tấp nập như nó phải thế. Điều khác biệt ở đây, có chăng là tôi đã chẳng còn đứng yên một chỗ như những năm mười tám, đôi mươi. Có quá nhiều thứ âm thanh ở một đô thị lớn. Tiếng còi xe, tiếng nhạc xập xình, tiếng người cười nói với nhau… tạo nên một Sài Gòn “hỗn tạp” vô cùng. Bấy nhiêu đấy cũng đủ để người ta mệt mỏi, chán chường, nhất là đối với du khách thập phương. Vội vã và ồn ào, Sài Gòn chẳng kịp để người lạ làm quen với những điều mới mẻ, hiện đại mà cứ “đuổi” nhau như trên những con đường cao tốc chẳng thấy điểm dừng. Nhưng, nếu không phải vì thế, tôi đã chẳng phải lòng mảnh đất này nhiều đến như vậy…
Trong những bộn bề và bon chen giữa thành phố, tôi chậm rãi quan sát cuộc sống ở Sài thành và nhìn ngắm nó bằng con mắt trưởng thành hơn. Lạ kỳ thay, tôi thấy mình yêu Sài Gòn từ những điều giản dị nhất. Những điểm náo nhiệt dành cho giới trẻ “thả mình” vào các cuộc vui thâu đêm suốt sáng trên phố Bùi Viện. Những gánh hàng rong bán bánh tráng trộn, trái cây, cùng những xe đẩy bắp xào, mực nướng đầy ắp mùi dầu pha lẫn mùi bia, rượu phả vào trong không khí. Những người trẻ có, già có, với gương mặt khắc khổ, đầu tắt mặt tối chật vật nhích từng bước chân trên khắp con phố bởi vì “lỡ” mang trên mình gánh nặng mưu sinh đầy nhọc nhằn. Tôi không ghét hay phê bình lối sống của một bộ phận những thanh niên Sài Gòn nhưng tôi thương lắm những mảnh đời cơ cực bươn chải để kiếm sống. Họ là những người ở miền Tây lên, ở Quảng Nam, Quảng Ngãi vào… Họ chẳng chèo kéo người đi đường để mong bán được hàng mà chỉ lặng lẽ tập trung vào công việc của mình để nhằm phục vụ khách hàng nhanh nhất có thể. Họ chậm rãi, từ tốn nhưng không hề khoan thai như cách người khác nhìn thấy thường nghĩ.
Sài Gòn đi rồi sẽ thấy, nhìn rồi phải ngẫm. Chỉ khi chịu bỏ qua những nhà cao cửa rộng, những tòa tháp chọc trời, đưa mắt nhìn xuống những mái lều lụp xụp ven sông, sẽ thấy đâu đó còn rất nhiều người từ xa tụ tập về đây chật vật mưu sinh. Ở chơi Sài thành, tôi tình cờ gặp gỡ bao người đồng hương xứ Quảng đang nhọc nhằn kiếm sống nơi đây. Tôi cũng trông thấy những cụ già lót vội vài ba tờ giấy báo lên vỉa hè, đắp cái bao bố lên người rồi thở dài nhắm mắt dỗ dành giấc ngủ. Vài đứa bé bán vé số đeo những chiếc túi xách thật to, đưa hai tay mời gọi mọi người rồi nhặt nhanh mấy vỏ nhựa vứt lăn lóc bên bàn quán nhậu đông đúc. Thậm chí, cả một gia đình có cha mẹ và đứa con thơ ngồi ôm nhau trên cầu, đưa mắt xa xăm nhìn đường phố rồi “bị” lãng quên nhanh chóng bởi người qua đường… Hình ảnh các bạn bằng tuổi tôi nằm quay ngược đầu, gác chân lên chiếc xe máy - phương tiện mưu sinh của họ, rồi nằm ngủ ngon lành giữa phố nhộn nhịp lúc ba giờ sáng chắc sẽ còn gây “ám ảnh” cho tôi và những người qua lại trên con phố ấy cho đến vài năm nữa, tôi tin là vậy.
Sài Gòn bây giờ, càng nhìn, càng lắng nghe thì con người ta lại càng thấy mình nhỏ bé vô chừng. Sẽ khó mà hiểu hết về Sài thành rộng lớn, và càng khó mà “thấu cảm” hết được những mảnh đời từ khắp các nơi tụ hội về chốn hoa lệ này để mưu sinh. Nhiều người hay nói, Sài Gòn dễ sống lắm. Mức lương bao nhiêu cũng có, sống thế nào cũng được, chỉ có điều người ta có chịu “thích nghi” với nó hay không thôi. Nhưng đôi khi tôi vẫn băn khoăn tự hỏi, liệu rằng người ta dễ dãi hài lòng hay vì “đồng tiền” mà họ mới phải cam chịu như thế? Ở cuộc đời này, mưu sinh chưa bao giờ là điều dễ dàng, vươn lên để sống lại càng khó, nhất là khi ở Sài thành “hoa lệ”…
HẠNH NGUYÊN TRANG