(QNO) - Do nhu cầu chăm sóc người bệnh, tại các bệnh viện lớn đang xuất hiện nhiều dịch vụ tắm rửa, vệ sinh bệnh nhân.
Chăm sóc bệnh nhân trở thành công việc mang lại thu nhập cho nhiều phụ nữ các vùng quê Quảng Nam. |
Việc "lương" cao
Đã 6 năm rời quê ra bệnh viện hành nghề chăm sóc bệnh nhân, chị Phan Thị Thuận (49 tuổi, Quế Long, Quế Sơn) không nhớ hết số người bệnh mà mình đã phục vụ. Công việc của chị mỗi ngày là vệ sinh, gội đầu, tắm rửa người bệnh... Ban đầu cũng chỉ nghĩ làm thời gian ngắn nhưng rồi như cái “nghiệp” đưa đẩy, cuối cùng chị đã gắn hẳn nghề này. Nhờ chu đáo, tận tình mà chị không khi nào hết việc.
“Hồi đó ở quê có người bị bệnh nằm đây, thiếu người chăm sóc nên nhờ tôi ra trông coi giùm. Mấy giường bên thấy vậy cũng nhờ mình vệ sinh cho thân nhân họ, dần dần quen mặt các cô điều dưỡng, y tá ở các khoa, nên có ai cần là họ giới thiệu. Số tiền được bồi dưỡng sau khi trừ chi phí ăn uống, mỗi tháng tôi còn được hơn chục triệu đồng gửi về gia đình” - chị Thuận kể.
Loay hoay chưa biết cách vệ sinh vùng chân bị gãy để chuẩn bị đi mổ, người nhà cụ Nguyễn Thị Phiếu (bệnh nhân ở Khoa Ngoại chấn thương) nhờ chị Nguyễn Thị Thơm (Quế Châu, Quế Sơn) giúp đỡ; chừng 15 phút thì cụ Phiếu được vệ sinh, tháo bột, lau rửa khá gọn gàng, đưa lên băng ca đẩy xuống phòng chờ mổ.
Chị Nguyễn Thị Thơm khẳng định, công việc vệ sinh tại bệnh viện cho chị thu nhập ổn định. Thông thường, khoảng 5 giờ chiều chị xuống các phòng bệnh gội đầu cho bệnh nhân. Để làm được việc này yêu cầu cũng tương đối đơn giản. Dụng cụ chỉ cần 1 cái xô, 1 miếng bạt ni lông, 1 chiếc máy sấy. Trong khoảng 1 tiếng đồng hồ chị có thể gội xong cho 3 - 4 người. Nhờ không tốn chi phí điện nước, chị kiếm được 150 - 200 nghìn đồng mỗi ngày. “Con gái lớn cũng theo tôi ra trọ học ở Đà Nẵng, nhờ bệnh viện tạo điều kiện cho làm thêm mà tôi lo được tiền ăn ở hai mẹ con và tiền đóng học phí cho cháu” - chị Thơm chia sẻ.
Dù thu nhập cao nhưng công việc cũng khá vất vả và nhiều áp lực. |
Tại Bệnh viện Đà Nẵng hiện có rất đông chị em đến từ các vùng quê Quảng Nam như Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn… ra làm công việc chăm sóc người bệnh. Với mức thù lao chăm sóc trọn gói người bệnh trung bình mỗi ngày 350 - 400 nghìn đồng nên nguồn thu nhập khá ổn định. Chưa kể, dịp Tết Nguyên đán vừa qua, mức thù lao chăm sóc cũng tăng gấp 3 lần bình thường (khoảng 700 - 800 nghìn đồng/ngày). Đối với nhiều phụ nữ sống ở nông thôn như chị Thuận, chị Thơm, mức thu nhập trên là tương đối lớn. Vì vậy, dù vất vả và nguy hiểm do thường xuyên tiếp xúc với những bệnh lây nhiễm nhưng nhiều chị em vẫn chọn công việc này như kế mưu sinh hàng ngày.
Nghề áp lực
Khi có người nhà nằm viện không phải ai cũng có người thân túc trực chăm sóc thường xuyên, nhất là những ca nằm viện dài ngày. Và, những người làm nghề chăm sóc bệnh nhân trở thành “cứu cánh” cùng san sẻ gánh lo cho thân nhân người bệnh.
Theo chị Lê Thị Hồng Oanh (Điện Nam Trung, Điện Bàn), chăm sóc, vệ sinh cho bệnh nhân cũng là công việc nhiều áp lực. Đa số người làm nghề này đều thích nhận bệnh nhân trẻ con, trung niên hơn là người lớn tuổi vì người già thường khó tính, khó chiều lại thêm hay phàn nàn với người thân. “Áp lực không chỉ đến từ người bệnh mà còn cả người nhà bệnh nhân, đôi lúc rất khó chịu, nên mình phải thật sự kiên nhẫn, chịu khó lắng nghe thì mới làm hài lòng người bệnh. Nói chung làm nghề này nếu không có cái tâm, không coi bệnh nhân như người thân thì sẽ khó lòng làm được” - chị Oanh tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Thương - điều dưỡng Khoa Ngoại - bỏng Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, ngoài lo ăn uống, tắm rửa, dọn chất thải, thuốc thang hằng ngày, người chăm sóc hầu như phải túc trực bên giường bệnh, sát sao theo dõi tình hình bệnh nhân. Vì vậy, phần lớn sinh hoạt của họ cũng thất thường. Ăn uống vội vàng, thiếu ngủ triền miên và chỉ thực sự được nghỉ ngơi trong khoảng thời gian bác sĩ thăm khám, làm thuốc. “Công việc có thu nhập cao hơn so với làm nông ở quê, hoặc giúp việc nhà. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn các rủi ro khi tiếp xúc với rất nhiều nguồn bệnh, nhất là các bệnh lây nhiễm là không tránh khỏi” - chị Thương nói.
Gội đầu cho bệnh nhân. |
Thực tế, vẫn có những người làm công việc này dường như quanh năm chỉ sống trong bệnh viện. Với họ, dù khổ cực nhưng thong thả hơn ở quê - như tâm sự của chị Thương: “Đôi lúc chị em chúng tôi nói vui rằng đây cũng là một nghề rất sạch sẽ, hiểu theo nghĩa nào cũng đúng vì mình đã giúp đỡ được nhiều người bệnh dễ chịu hơn trong quá trình chữa bệnh của họ”.
HUYỀN PHƯƠNG