Mưu sinh xa xứ

CHÂU NỮ 15/01/2014 10:43

Một cách tình cờ, nhiều người làm nghề bán hàng dạo ở các tỉnh bạn đã chọn Quảng Nam, trong đó chủ yếu là TP.Tam Kỳ, làm điểm dừng chân và làm cuộc mưu sinh...

Những bước chân không mỏi

Chị Trần Thị Lan, quê Sơn Tịnh, Quảng Ngãi không nhớ hết mỗi ngày mình rong ruổi qua bao con đường, ngõ phố với “sạp hàng di động” trên vai, chỉ biết quãng đường chị đi ước chừng trên 20 cây số! “Sạp hàng” của chị và cũng là của những người cùng nghề là một miếng gỗ hình chữ nhật có diện tích hơn 1m2, bày linh tinh thứ: ví, kiếng đeo mắt, đồ chơi, móc khóa, bông ráy tai v.v. Những người bán hàng này gọi chung là “nghề móc khóa”. Chị Lan cho biết, đi bán dạo và làm việc vặt nhiều nhất có lẽ ở người Quảng Ngãi quê chị nhưng mỗi người bán mỗi thứ. Ví dụ như dân Mộ Đức chuyên mài dao; ở Đức Phổ bán mùng, bấm lỗ tai; còn ở Sơn Tịnh bán móc khóa… Chị Nguyễn Thị Tư, hơn 60 tuổi có lẽ là người lớn tuổi nhất trong những người bán dạo tâm sự: “Làm nghề này phải đi nhiều nên đêm về, đôi chân mỏi rục, tối nào cũng nhờ mấy chị em cùng phòng trọ đấm bóp và uống thuốc giảm đau”.

Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những người bán hàng dạo.                                                                                                                            Ảnh: CHÂU NỮ
Phút nghỉ ngơi hiếm hoi của những người bán hàng dạo. Ảnh: CHÂU NỮ

Từ Hoằng Hóa, Thanh Hóa, theo anh chị vào Quảng Nam mưu sinh, Nguyễn Thị Anh (20 tuổi) tâm sự, ở quê ruộng bạc màu, Anh bị dị tật ở chân không làm gì được nên theo các anh chị vào Quảng Nam bán hàng dạo đã 2 năm. Trong khi anh chị của Anh hằng ngày đẩy xe bán bắp rang bơ và đồ chơi ở Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình thì Anh chỉ bán loanh quanh ở chợ Tam Kỳ, Hòa Hương, dù vậy, mỗi ngày em vẫn phải di chuyển một quãng đường cũng gần chục cây số. Nếu may mắn, mỗi ngày Anh kiếm khoảng 50 - 70 nghìn đồng, cũng có ngày chỉ được vài chục nghìn, đủ qua bữa ở quán cơm bình dân.

Nghỉ trưa ở quán cơm bụi trên đường Trần Dư (Tam Kỳ) chị Nguyễn Thị Tám (Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) kể, nghề bán móc khóa của những người như chị trời nắng thì tranh thủ đi bán, mỏi chân mấy cũng đi chứ trời mưa chỉ bó gối ở nhà, vì những thứ này mà bị ướt thì hỏng hết. Thu nhập một ngày của những người bán móc khóa cũng rất bấp bênh. Hôm nào gặp khách sộp, “trúng mánh” thì kiếm hơn 100 nghìn đồng. Cũng có ngày đi mỏi cả chân nhưng chỉ được vài chục nghìn đồng. Tuy vậy, chi tiêu dè xẻn, bình quân mỗi tháng một người cũng dành dụm được vài triệu đồng để lo cho chuyện ăn uống, học hành của con cái. Có trường hợp mỗi gia đình chỉ có một người, hoặc chồng, hoặc vợ đi bán hàng, người còn lại ở nhà quán xuyến, chăm lo việc gia đình. Cũng có khi cả hai vợ chồng đều đi bán xa nhà, con cái gửi ông bà hoặc “tự quản”. Vì thế, đã có nhiều trường hợp trong khi cha mẹ lo bán dạo kiếm tiền cho con ăn học, không quan tâm gia đình nên con cái sa chân vào game online và bỏ học, đến khi cha mẹ biết thì đã muộn!

Nhọc nhằn nuôi ước mơ

Những người ở Quảng Ngãi làm nghề bán móc khóa dạo thuê một căn phòng rộng trên đường Nguyễn Thái Học (Tam Kỳ) để ở chung. Căn phòng này vừa là chỗ ngủ, vừa để hàng. Từ sáng sớm, “đội quân móc khóa” đã lục đục dậy để tỏa đi các ngả đường; người có xe đạp, xe máy thì đi xa hơn nhưng dù đi đâu, đến tối lại quây quần trong phòng trọ này.

Trong một lần ngồi nghỉ ở cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh, một phụ nữ khoảng 50 tuổi trải lòng về những buồn vui của nghề bán hàng rong. Chỉ có điều chị đề nghị đừng nêu tên, cũng đừng chụp ảnh đưa lên báo bởi vì: “Tôi không ngại chi hết nhưng con tôi vừa tốt nghiệp đại học và đã đi làm ở TP.Hồ Chí Minh, một đứa đi lao động ở nước ngoài, nhỡ nó xem báo thấy mẹ như vậy sợ nó không vui, rồi lại tủi thân”. Vừa nói, chị vừa mở điện thoại cho tôi xem ảnh con trai chị nhận bằng tốt nghiệp loại giỏi ở trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh. Ánh mắt chị ngời niềm vui. Chị cho biết, đã làm nghề này gần 20 năm. Những năm trước, chị bán ở Sài Gòn. Con học ở đâu, mẹ mang hàng theo bán ở đấy. Năm nay, khi con ra trường, chị chọn Quảng Nam để mưu sinh. “Người Quảng Nam đa số thiệt thà, ít coi khinh những người làm nghề như tôi. Bán ở nơi khác tôi từng gặp nhiều người mua hàng mà cứ như bố thí. Buồn, tủi nhưng cũng gắng vì nghĩ miễn sao mình kiếm được đồng tiền chân chính. Chừ con cái trưởng thành rồi, đi bán gần để lo cho tuổi già, nhớ nhà muốn về cũng dễ” - chị nói thêm.  

Anh Nguyễn Văn Tùng (56 tuổi, quê Sơn Tịnh) cũng có nỗi niềm như thế. Trước đây anh bán ở Tây Nguyên vì có con trai học đại học trên đó. 2 năm nay, con ra trường, xin được việc làm, anh Tùng chuyển sang nghề mài dao dạo ở khắp các huyện Núi Thành, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ. Bình quân mỗi ngày kiếm cũng được gần 100.000 đồng. Khi tết đang đến gần, thu nhập của anh khá hơn hẳn, bình quân 100.000 đồng/ngày trở lên. Mỗi ngày anh đều đi về giữa Quảng Ngãi - Quảng Nam bằng xe máy, vì theo anh, ở nhà trọ có một mình, mỗi đêm phải mất 50 nghìn đồng, một số tiền quá lớn. “Sang năm con út dự định thi đại học ở Quảng Nam. Nếu nó đậu, chắc 2 cha con thuê nhà ở ngoài này. Con học đâu, cha mài dao ở đó, để vừa làm, vừa nuôi và quản lý con cho dễ” - anh  Tùng nói.

 CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mưu sinh xa xứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO