Mỹ - Ấn sưởi ấm mối quan hệ

QUỐC HƯNG 28/06/2017 08:12

Cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn diễn ra vào rạng sáng qua 27.6 (theo giờ Việt Nam) thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế.

Thủ tướng Modi (trái) và Tổng thống Trump. Ảnh: GettyImage
Thủ tướng Modi (trái) và Tổng thống Trump. Ảnh: GettyImage

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi lần đầu tiên có cuộc gặp với Tổng thống nước Mỹ - Donald Trump tại Washington. Tại buổi họp báo tại Vườn Hồng, nhà lãnh đạo hai nước trao nhau cái ôm thân mật, thể hiện mục đích chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ nhằm xây dựng mối quan hệ nồng ấm hơn giữa hai nước, dù vẫn tồn tại nhiều khác biệt.

Trước chuyến thăm Washington, Thủ tướng Modi bày tỏ sự lạc quan về đà tăng trưởng kinh tế và tăng cường thương mại song phương Mỹ - Ấn. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu không mấy ổn định, Mỹ - Ấn là những cỗ máy tăng sức cho nhau để tăng trưởng và đổi mới. Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Ấn Độ, trong khi Ấn Độ là đối tác thứ 9 của nền kinh tế số một thế giới. Năm 2016, kim ngạch thương mại - dịch vụ hai chiều của 2 quốc gia đạt gần 115 tỷ USD. Tại cuộc gặp, lãnh đạo Mỹ và Ấn Độ (nền kinh tế lớn thứ ba của khu vực châu Á) ra Tuyên bố chung cam kết thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Tổng thống Trump ca ngợi quan hệ giữa Washington và New Dehli “chưa bao giờ vững mạnh hơn” thời điểm hiện tại. Đặc biệt, nhân cuộc gặp thượng đỉnh này, Bộ Ngoại giao Mỹ phê chuẩn thương vụ bán máy bay vận tải quân sự C-17 trị giá khoảng 366 triệu USD cho New Dehli, đồng thời để ngỏ khả năng bán các máy bay không người lái trị giá 2 tỷ USD nhằm giúp Ấn Độ tăng cường hoạt động giám sát trên Ấn Độ Dương. Ngoài ra, Mỹ - Ấn cam kết thúc đẩy hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, quốc phòng và an ninh hàng hải.

Chuyến thăm được đánh giá cũng là cơ hội để Mỹ - Ấn giải quyết những bất đồng giữa hai nước vốn nổi lên trong thời gian gần đây. Trước tiên phải kể đến quyết định của Tổng thống Trump giới hạn việc cấp visa cho người lao động nước ngoài vào Mỹ theo diện H-1B. Biện pháp nói trên gây trở ngại cho hàng chục ngàn chuyên viên điện toán Ấn Độ cộng tác với các hãng Mỹ tại thung lũng Silicon Valley, làm tổn thương đến ngành công nghệ thông tin là một trong những động lực thúc đẩy nền tảng kinh tế vững chắc cho Ấn Độ. Một báo cáo dự đoán, trong vòng ba năm tới có ít nhất 200.000 kỹ sư phần mềm ở quốc gia Nam Á này mất việc mỗi năm. Bất đồng thứ hai liên quan đến hiệp định Paris chống biến đổi khí hậu: Donald Trump rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận lịch sử này và chủ nhân Nhà Trắng trực tiếp chỉ trích là thỏa thuận này có lợi cho Ấn Độ khiến New Delhi rất bất bình. Trong hồ sơ kinh tế, năm 2016 thâm hụt thương mại của Mỹ với Ấn Độ đến gần 31 tỷ USD và Tổng thống Trump muốn cân bằng hơn trong mối quan hệ thương mại giữa hai nước.

Chuyện ngoài lề cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Ấn lần này, giới truyền thông quan tâm đến một điểm thú vị chung của Tổng thống Trump và Thủ tướng Modi, khi họ là những nhà lãnh đạo trên mạng xã hội. Thủ tướng Modi (năm nay 67 tuổi) sử dụng Twitter kể từ khi nhậm chức vào năm 2014 với 30 triệu người theo dõi hiện nay; tổng thống Trump là nhà lãnh đạo trên thế giới được theo dõi nhiều nhất trên Twitter của mình với 33 triệu người.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mỹ - Ấn sưởi ấm mối quan hệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO