"Mỳ Quảng cóc" ở Sài thành

PHI KHANH 24/03/2014 12:04

Không phải mỳ Quảng được làm bằng nhưn thịt... cóc, mà là nhưn thịt gà, cá lóc hẳn hoi. Chỉ là quán nằm ven đường, trên vỉa hè, nên có tên gọi “mỳ Quảng cóc”.

Thương hiệu bình dân

Ở quận, huyện nào của TP.Hồ Chí Minh cũng có sự hiện diện của người Quảng Nam, vì thế món mỳ Quảng đã trở nên phổ biến. Bên cạnh những quán mỳ Quảng đã có thương hiệu, “mỳ Quảng cóc” vẫn có tiếng nói riêng đối với người Quảng Nam ở Sài thành. Đến khu Tân Bình, Tân Phú, có quán mỳ Quảng trong nhà, vỉa hè xen kẽ nhau. Thực khách là công chức, học sinh, xe ôm, nhiều thành phần, và tất nhiên không chỉ là thực khách gốc Quảng. Chị Thu, quê Duy Xuyên, bán mỳ Quảng ở đường Vườn Lài, quận Tân Phú gần chục năm nay. Kê mấy chiếc bàn ghế nhựa trên vỉa hè, quán chị lúc nào cũng có khách, chủ yếu là khách đồng hương. Khách ăn quen “gu”, mê mùi dầu phụng, mùi thơm của nén, của rau, của bánh tráng gạo, giá cả lại bình dân. Nhờ thế, quán nuôi sống gia đình chị cả chục năm nay.

Quán mỳ Quảng vỉa hè của chị Mai ở Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: PHI KHANH
Quán mỳ Quảng vỉa hè của chị Mai ở Bình Chánh, TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: PHI KHANH

Quán mỳ Quảng của chị Mai (quê Điện Phương, Điện Bàn) lúc nào cũng nhộn nhịp khách. Dù là quán cóc, nhưng chị bày biện rất bắt mắt, nhất là món rau sống với cải non, giá, bắp chuối, húng lủi, khách là người Quảng “chính hiệu” nhìn vào chỉ muốn… kéo ghế ngay. Trên bàn có chén ớt xanh, đặc biệt là tô mắm ớt để thực khách nêm nếm tùy thích. Quán chị Mai nằm trên vỉa hè, bên hông chợ Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, luôn đông khách. Thấy bán mỳ Quảng đắt khách, cũng có người mở quán mỳ Quảng bên kia đường cạnh tranh với chị, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã dẹp tiệm vì... ế. Vấn đề nằm ở chỗ: chủ quán kia không phải người Quảng Nam, nên nấu chưa đúng điệu.

Kết nối tình đồng hương

Thực khách chọn “mỳ Quảng cóc” không hẳn vì giá cả bình dân, mà còn nhiều lẽ khác. Là khách “ruột” của chị Mai, anh Thanh (quê Duy Châu, Duy Xuyên) đến để thưởng thức món ăn quê hương, để ủng hộ người đồng hương, để được nghe giọng Quảng, và ngóng tin tức quê nhà. Anh Thanh nói vui: “Nếu nhớ quê thì tìm đến quán cóc bán mỳ Quảng. Tô mỳ Quảng ven đường giản dị là thế, nhưng có sức mạnh kết nối tình đồng hương thật hiệu quả. Người Quảng Nam một khi đã chọn quán mỳ Quảng cóc là như được trở về nhà, thân thương, gần gũi. Vì thế, lâu không đến ăn là cảm thấy nhớ, thấy thiếu”.

Với người Quảng xa quê, có lẽ mỳ Quảng là món ẩm thực được lựa chọn hàng đầu. Người bán chọn mỳ Quảng để bán. Thực khách chọn mỳ Quảng để ăn. Đến quán chị Mai, thấy đôi ba phụ nữ vừa bế con, vừa ăn… một tay, vừa chống chế: “Muốn ra đây để vừa ăn vừa “tám”, vui như gặp lại người nhà”. Những quán cóc ấy trở thành “bản tin” nóng hổi, được cập nhật nhanh chóng, mọi người cùng nhau hưởng ứng, bàn luận, và chân tình chia sẻ với nhau như đã quen biết lâu ngày. Cũng như nhiều quán cóc khác, mỳ Quảng cóc có mặt trên vỉa hè, dưới gốc cây nhiều bóng mát, hay dưới cây dù che nắng che mưa. Người viết bài này quê gốc Quảng Nam, mỳ Quảng cóc từ lâu đã trở thành sự lựa chọn cho phần lớn bữa ăn sáng của bản thân và bạn bè đồng hương.

Có thể nói, mỳ Quảng cóc ở TP.Hồ Chí Minh đã trở thành nét văn hóa bình dân của những người Quảng xa quê.

PHI KHANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Mỳ Quảng cóc" ở Sài thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO