(QNO) - Ngay trong ngày đầu nhậm chức 20/1 vừa qua, Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Thỏa thuận khí hậu Paris.
Các cơ quan của Liên hiệp quốc cho biết việc Mỹ sắp rút khỏi WHO và Thỏa thuận khí hậu Paris 2015 sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe toàn cầu và nỗ lực làm chậm quá trình biến đổi khí hậu.
Theo WHO, WHO đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của người dân trên thế giới (bao gồm người Mỹ) bằng cách giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bệnh tật, xây dựng hệ thống y tế mạnh hơn để phát hiện, ngăn ngừa và ứng phó với các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe gồm các đợt bùng phát dịch bệnh.
Mỹ là một trong những thành viên sáng lập WHO vào năm 1948 và là nhà tài trợ lớn nhất của WHO khi đóng góp 1.284 tỷ USD hoặc 18% ngân sách 2022 - 2023 của WHO.
Trong khi đó, các quan chức Liên hiệp quốc gọi quyết định của Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Paris năm 2015 là "một sự thất vọng lớn", lưu ý rằng các quốc gia trên thế giới thông qua thỏa thuận vì nhận ra tác hại to lớn mà biến đổi khí hậu đang gây ra và cơ hội to lớn mà hành động vì khí hậu mang lại.
Báo cáo gần đây của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho thấy 10 năm qua là thời kỳ nóng nhất trong lịch sử và năm 2024 là năm nóng nhất được ghi nhận với nhiệt độ cao hơn khoảng 1,55 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, trong khi Mỹ vẫn là một trong những nhà phát thải hàng đầu thế giới.