(QNO) – Việc các hãng hàng không Việt Nam bắt đầu khai thác đường bay thường lệ đến Trung Quốc như trước đại dịch COVID-19 đã mở ra cơ hội lớn cho du lịch Việt Nam cũng như Quảng Nam, trong đó Mỹ Sơn kỳ vọng sẽ đón thêm lượng khách lớn đến từ thị trường tiềm năng này.
Ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn chia sẻ, thông tin Việt Nam tái mở cửa thị trường khách Trung Quốc mang đến lạc quan cho sự phục hồi và tăng trưởng của du lịch Mỹ Sơn bởi trước năm 2019, khách Trung Quốc chiếm hơn 25% trong tổng cơ cấu khách đến di sản này.
“Đây là thị trường lớn mà chúng tôi đang chờ đợi để khỏa lấp sự thiếu hụt dòng khách Âu Mỹ, giúp du lịch Mỹ Sơn phục hồi nhanh chóng hơn trong năm 2023” - ông Phan Hộ nói.
Năm 2022, khu đền tháp Mỹ Sơn đón 110 nghìn lượt khách mua vé tham quan, trong số này hơn 60% là khách nước ngoài. Một số sản phẩm du lịch mới cũng được xây dựng đưa vào phục vụ như: Đêm Mỹ Sơn huyền thoại, Trecking khám phá cung đường Đồng Lớn – Mỹ Sơn, hoàn thiện hạ tầng dịch vụ…
Đặc biệt, việc đưa vào khai thác sản phẩm du lịch thực tế ảo (tháng 10/2022) đã thực sự tạo chuyển biến tích cực, đưa Mỹ Sơn trở thành một trong những đơn vị làm du lịch sớm khai thác sản phẩm theo hình thức này.
Trong buổi gặp mặt doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và báo chí vào chiều 7/1, một số ý kiến cho rằng để tạo sự hấp dẫn hơn cho điểm đến, Mỹ Sơn cần trang bị, nâng cấp một số sản phẩm dịch vụ như nhà biểu diễn văn nghệ, máy cà thẻ thanh toán mua vé, trang bị thêm bản đồ di tích, lắp đặt camera bãi đậu đỗ xe điện để theo dõi khách vào ra, tránh tình trạng để khách chờ quá lâu, đặc biệt bồi dưỡng khả năng ngoại ngữ tiếng Anh cho cán bộ, nhân viên làm việc tại Mỹ Sơn đáp ứng mức giao tiếp tối thiểu khi khách có yêu cầu…
Ông Trần Hoài Nguyên – Phó Giám đốc Saigontourist, chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, mặc dù các đường bay kết nối thị trường Trung Quốc đã được nối lại nhưng cũng chỉ mới triển khai ở hai đầu đất nước, dự báo giai đoạn gian đầu khách chủ yếu là công vụ, thương nhân và du học sinh. Do vậy, thị trường khách Trung Quốc khó thể phục hồi trong ngắn hạn, nên miền Trung cũng như Mỹ Sơn cần chờ thêm thời gian.
Hiện tại đối tượng khách đi du lịch chủ yếu là hưu trí và người có điều kiện, hầu hết đi theo nhóm nhỏ hoặc gia đình, ít khách đoàn lớn bởi tình hình kinh tế một số nước châu Âu gặp khó khăn, lạm phát lớn, chưa kể thời gian visa tại Việt Nam ngắn, sự cạnh tranh điểm đến giữa Việt Nam với một số nước khác trong khu vực, do vậy dù mở cửa tương đối sớm nhưng khách quay lại Việt Nam chưa nhiều.
“Trong số các sản phẩm của Mỹ Sơn hiện nay, tôi đánh giá cao tour Trecking khám phá cung đường Đồng Lớn – Mỹ Sơn, việc triển khai thành công chương trình này sẽ rất hấp dẫn và phù hợp với đối tượng khách trẻ Việt Nam, giúp bù lại lượng khách quốc tế, mặc dù doanh thu mang lại chưa nhiều nhưng nó sẽ là lượng khách ổn định thời điểm hiện nay” - ông Nguyên phân tích.
Theo ông Phan Hộ, việc hoàn thiện, nâng cấp chất lượng sản phẩm, dịch vụ là vấn đề luôn được Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn chú trọng nhằm đạt được các mục tiêu đơn vị đề ra. Trong năm 2023, ngoài hoàn thiện hạ tầng dịch vụ, Mỹ Sơn sẽ tiếp tục tăng cường quảng bá hình ảnh tại các địa điểm du lịch của tỉnh như Hội An, Bảo tàng Quảng Nam, Nam Hội An...
Mở thêm điểm check in tại các khu vực cảnh quan khu di tích. Tiếp tục nghiên cứu đẩy nhanh quy hoạch, xây dựng hạ tầng phát triển một số sản phẩm dịch vụ giải trí bên ngoài vùng lõi theo định hướng du lịch xanh…
Gắn với đó là củng cố nguồn khách truyền thống như châu Âu, Úc, Mỹ và chuẩn bị các điều kiện đón thị trường khách Bắc Á (Trung Quốc, Nhật Bản), nhất là các chương trình nghệ thuật khi các quốc gia này mở cửa rộng rãi.
Đặc biệt, tập trung vào dòng khách Ấn Độ thông qua việc quảng bá các thành tựu, hình ảnh hỗ trợ của Chính phủ Ấn Độ trong quá trình hợp tác trùng tu các nhóm tháp A,H,K nhằm thu hút sự quan tâm của dòng khách Ấn Độ đến Mỹ Sơn, góp phần hoàn thành mục tiêu đón 180 nghìn lượt khách đến Mỹ Sơn năm 2023.