Không còn những chiếc xe điện đưa khách qua con đường đá lát đã bị bong tróc khá nhiều, vào tháp. Những chiếc xe du lịch lớn, nhỏ “ầm ầm” lao qua cầu Khe Thẻ. Khu đất rộng cách trung tâm tháp vài chục mét đầy ắp người, xe. Kẻ chờ hướng dẫn viên, người nghỉ chân bên quán nước của ban quản lý dựng ven đường. Không có gì khác lạ. Khách vẫn lặng lẽ đi qua miền cổ tích ngập tràn thung lũng. Không ai biết họ tìm gì, nghĩ gì sau hai giờ lang thang trước những ngôi tháp đã không còn kiên nhẫn với thời gian, trên những viên gạch vỡ nằm rải rác trên mặt di tích vẫn luôn nóng - lạnh thất thường theo những cuộc tranh luận, lẫn giữa nét trầm tư của bò thần Nandin và nụ cười thầm kín của Apsara giấu mình giữa những tượng sa thạch.
Khách tham quan Mỹ Sơn. |
Làng Chăm vắng. Vài ba khu du lịch mọc lên đón người trải theo sườn đồi bát úp, thoai thoải dốc từ mấy năm trước vắng lặng. Đã quá lâu rồi, ít ai ở lại, nên làng hoang vắng, thiếu hơi người… dù đã sang tay qua nhiều chủ đầu tư. Nhà hàng mang tên vị thần Ganesha, tượng trưng của tài trí, hạnh phúc và thành công bốc lên mùi ẩm mốc. Mùi ngai ngái của bạch đàn, cỏ cây và đất sau vài trận mưa bốc lên linga cao 5 - 7m, cách điệu được ghép từ những cọc sắt xám, sừng sững giữa làng, phủ cả trên đám tượng nhiều thể loại sắp đặt vương vãi trong làng… đầy rêu mọc. Cô hàng nước tên Trang sống trên sườn đồi này đã 20 năm qua ngồi đợi khách, nhìn những chiếc xe lần lượt “trôi qua” cửa quán, thở dài trong căn nhà rường cổ. Mấy hôm trước, có cả nghìn học sinh lớp 12 Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) mở hội trại Mỹ Sơn. Tiếng cười nói và những sinh hoạt trại rộn ràng đã mang lại chút hơi ấm cho làng Chăm. Những căn nhà dường như bỏ hoang từ nhiều năm qua đã có thể mở cửa cho đám trẻ mắc mưa trú nhờ qua đêm. Sau ngày ấy, gió lại thổi buồn qua những căn nhà trống, qua thạch tượng… ẩn mình giữa những khu vườn um tùm, không tay người dọn dẹp, vun vén… Trang nói, mấy năm trước, hàng quán còn có thể sống được nhờ bãi đổ xe còn dựng ngoài cổng di tích. Bây giờ, xe chạy thẳng vào bên trong di tích, ở đó có một vài nhà hàng đón khách… nên bên ngoài lâm vào cảnh vắng lặng thường ngày.
Tốc độ tăng trưởng khách du lịch bình quân tăng 30% mỗi năm là một con số ấn tượng. Những nhân viên bán vé nói mỗi ngày có cả ngàn khách tham quan. Nắng cũng như mưa. Chỉ cần 10% lượng khách đến Mỹ Sơn (khoảng 250.000 người mỗi năm) nghỉ lại Mỹ Sơn hoặc những người sống ven di sản có thêm thu nhập từ việc bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ chắc sẽ có đời sống khá hơn. Nhưng đó chỉ là mơ ước. Tài nguyên có nhưng vẫn khó để tạo ra nét riêng biệt, chưa thể trở thành sản phẩm du lịch mà chỉ ở dạng tiềm năng nếu không có dự án, mô hình cụ thể nào để phát triển. Mười lăm năm qua Mỹ Sơn không có gì lạ. Vẫn là chuyện bán vé thu tiền. Những dự án đầu tư nghe nói cả nghìn tỷ đồng ngoại vi tháp cổ vẫn còn ở đâu đó trong các bản vẽ hay mới chỉ ở dạng xúc tiến. Đó là điều cần luận bàn cho câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị di sản… mỗi ngày qua đi sau 15 năm định hình danh xưng di sản.
NAM KHA