Mỹ thuật tôn vinh di sản

BẢO ANH 10/09/2019 09:59

Kết nối, tôn vinh những giá trị đặc biệt của các di sản văn hóa (DSVH) là mạch đề tài chủ đạo và cũng là thông điệp mà các họa sĩ, nhà điêu khắc mang đến với Triển lãm Mỹ thuật Quảng Nam chủ đề “Di sản văn hóa” năm 2019, diễn ra từ ngày 7 đến ngày 15.9, tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Một góc không gian trưng bày của Triển lãm “Di sản văn hóa” 2019. Anh: B.A
Một góc không gian trưng bày của Triển lãm “Di sản văn hóa” 2019. Anh: B.A

Những cái nhìn cận cảnh

Thay vì mô tả bao quát không gian đền tháp với nét thâm u, cổ kính đặc trưng của Mỹ Sơn hay lớp lớp những mái ngói nhuốm màu thời gian của phố cổ Hội An, nhiều tác phẩm tại triển lãm DSVH 2019 lại đặc tả các hiện vật, góc cạnh của hai di tích này. Góc nhìn được thu hẹp, không gian di sản được “kéo lại” gần hơn, nhưng bằng hiệu ứng nghệ thuật, những liên tưởng mênh mang vẫn được mở ra. Đó là một góc phố với mảng tường vàng rêu xanh, chùm hoa giấy đỏ rực trong sự tĩnh lặng rất riêng dù mang cái tên rất chung chung là “Nắng qua xứ Quảng” (in khắc gỗ màu), nhưng khi xem tác phẩm này của Trần Thị Thanh Dung, vẫn dễ dàng nhận ra một Hội An cổ kính.

Cũng vậy, chỉ với chiếc đèn lồng đỏ treo lơ lửng trước một mảng tường sát mái, tác phẩm “Tĩnh lặng” (acrylic) của Lê Bùi Cung Vũ vẫn đủ sức gợi lên những xao động khẽ khàng của bước đi thời gian trên phố xưa... Trong khi đó, bằng những nét đặc tả linga, yoni, dáng tháp và các vũ điệu Chăm, Nguyễn Thượng Hỷ dựng nên một “Cõi hoan ca” (acrylic) ngay giữa chốn thâm nghiêm đền đài. Hay với hình ảnh bức tượng nữ thần Shiva sau vòm cong cửa đền được điểm xuyết bởi đôi cột đá gãy đổ cạnh mấy viên gạch vương vãi, bức tranh sơn dầu “Vạn mùa trăng” của Hà Châu vừa là diễn ngôn về sự biến trải của thời gian vừa là thông điệp về sự cần thiết của công tác bảo tồn di sản.

Ngoài Hội An và Mỹ Sơn, nhiều tác phẩm tại triển lãm còn khắc họa về các DSVH khác, cả vật thể và phi vật thể, góp phần tạo nên sự đa dạng về sắc màu và cảm xúc thẩm mỹ. Đó là một câu chuyện nhỏ về gốm Thanh Hà trong “Hồn phố” (acrylic) của Trần Thị Ngọc Lâm; là góc quê yên ả, thanh bình của làng cổ Lộc Yên trong “Ngõ” của Nguyễn Ba; là sự hứng khởi trong một trò chơi dân gian độc đáo của xứ Quảng trong “Phách nhịp bài chòi” (acrylic) của Trần Văn Binh và “Hô hát bài chòi” (khắc gỗ) của Trần Công Thiệm...

Đặc biệt, với những nét tạo hình chắc khỏe, bố cục sinh động, hài hòa, sự náo nhiệt, hào hứng của các lễ hội dân gian từ đồng bằng tới vùng cao đã được khắc họa khá ấn tượng trong một loạt tác phẩm: “Vào hội” (điêu khắc gỗ) của Nguyễn Văn Hàm; “Cây nêu - kết nối di sản” (acrylic) của Nguyễn Dũng, “Trống hội” (gò đồng) của Dương Đức Lin, “Mùa lễ hội” (khắc gỗ màu) của Ngô Văn Phúc, “Vũ điệu tâng tung da dá” (sơn mài) của Nguyễn Quang Phước...

Câu chuyện về bảo tồn, kết nối di sản cũng được kể khoan thai mà mạch lạc, mới lạ mà gần gũi trong các tác phẩm “Mỹ Sơn trong tôi” (bút twin CD marker trên toile) của Lê Việt Thắng; “Sinh tồn” (sơn mài) của Trần Hữu Dương; “Bảo tồn làng nghề” (điêu khắc gỗ) của Trần Thị Cúc; “Dòng sông di sản” (điêu khắc) của Trần Đức; “Những con người di sản” (tượng tròn composite) của Nguyễn Văn Huy; “Bóng thời gian” (acrylic) của Nguyễn Lương Sáng hay trong bộ tranh 5 bức “Ngẫu liên” (đồ họa trúc chỉ) của Phan Hải Bằng...

Cảm hứng bất tận

Có tới hơn một nửa trong số 100 tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc ở Quảng Nam, còn lại là TP.Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên cũng được trưng bày tại triển lãm; và hầu hết mô tả trực tiếp về các DSVH ở miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng. Theo nhà điêu khắc Dương Đức Lin - thành viên Ban tổ chức triển lãm, sự tập trung về chủ đề DSVH lần này chứng tỏ các tác giả tuân thủ rất tốt yêu cầu của ban tổ chức; đồng thời cho thấy sự tìm hiểu kỹ lưỡng và mối quan tâm đặc biệt của các họa sĩ, nhà điêu khắc đối với các DSVH, đặc biệt là hai Di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An.

Theo họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ - người đã gắn bó gần trọn đời mình với công tác bảo tồn di tích, triển lãm này chính là dịp để các họa sĩ, nhà điêu khắc thể hiện mối quan tâm, sự trân trọng và tình cảm đặc biệt của mình đối với các DSVH. Đây cũng chính là cơ hội thử thách sáng tạo đối với mỗi họa sĩ. Bởi lẽ, các DSVH đang hiện hữu chung quanh chúng ta, hầu như ai cũng có thể nhìn thấy những nét đẹp riêng biệt của chúng. Tuy nhiên, để biến những nét đẹp độc đáo ấy thành tác phẩm nghệ thuật đích thực là không đơn giản...

Đồng cảm với suy nghĩ này, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc khác cũng cho rằng, sáng tác về các DSVH là một trải nghiệm nghệ thuật hết sức thú vị. Để lột tả được hồn cốt của các DSVH, ngoài tài năng, sự chuyên chú với nghề, người nghệ sĩ còn phải có tình yêu và sự trân trọng đối với di sản. Khi ấy, các DSVH sẽ vẫn là đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác bất tận của văn nghệ sĩ nói chung và giới mỹ thuật nói riêng...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mỹ thuật tôn vinh di sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO