Mỹ thuật trực họa bước vào sân chơi lớn

BẢO ANH 02/12/2018 03:28

Vẽ ngay tại hiện trường (trực họa) bằng bút pháp tả thực, thấy sao vẽ vậy (thực họa), sau đó tùy vào cảm nhận mà nâng cấp, hoàn thiện tác phẩm, đã và đang là một hướng sáng tác được nhiều họa sĩ ở Quảng Nam hưởng ứng. Tác phẩm của họ, có lẽ nhờ vậy mà sống động hơn rất nhiều...

Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam trưng bày báo cáo tác phẩm thực họa sau chuyến đi thực tế tại Tiên Phước. Ảnh: B.A
Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam trưng bày báo cáo tác phẩm thực họa sau chuyến đi thực tế tại Tiên Phước. Ảnh: B.A

Đi thì phải vẽ!

Mấy năm gần đây, năm nào Chi hội Mỹ thuật Quảng Nam cũng tổ chức ít nhất một chuyến đi thực tế dành cho hội viên. Thay vì chỉ đi, nhìn ngắm, chỉ trỏ đã đời rồi... về, sau đó mỗi người thích vẽ gì, vẽ thế nào (thậm chí là... không vẽ) thì tùy, những chuyến đi này đặt ra yêu cầu rất cụ thể: phải vẽ ngay trong chuyến đi. Trước yêu cầu như vậy, lúc đầu một số họa sĩ, nhà điêu khắc tỏ ra không đồng tình, vì cho rằng cảm xúc chưa tới, chưa chín thì sáng tác thế nào được? Tuy nhiên, khi được giải thích rằng các ký họa, phác thảo trực họa chính là một kiểu “ghi chép”, là “tư liệu thô”, sau đó tùy vào cảm nhận, cảm xúc của mỗi người mà chuyển hóa thành tác phẩm, mọi người đã đồng thuận...

Được đa số hội viên hưởng ứng phương thức đi - vẽ ấy, các chuyến đi thực tế của Chi hội Mỹ thuật hầu như lúc nào cũng “bội thu”. Như chuyến đi Tiên Phước hồi mùa hè năm 2016, trong vòng một tuần 15 hội viên đã vẽ được hơn 50 bức phác thảo và khoảng 20 bức tranh hoàn chỉnh. Các chuyến đi thực tế dài ngày ở Tam Hải (Núi Thành) sau đó và mới đây nhất là ở Ta Bhing (Nam Giang), chuyến nào mỗi người cũng vẽ được không dưới 5 bức phác thảo. Ngoài các chuyến đi chung này, mỗi khi rảnh rỗi, một số họa sĩ lại tự mình cắp giá vẽ đi thực tế, và họ chỉ chịu quay về khi đã có được đôi ba bức ký họa hay mấy nét phác thảo trên toan... Họa sĩ Trương Bách Tường cho biết trong những chuyến đi khá dài ngày như thế, nếu không “ngoáy cọ” thì tay chân thừa thãi lắm, thậm chí là còn có vẻ... không đáng mặt họa sĩ! Còn họa sĩ Đoàn Minh Thuần, sau mấy lần đi thực tế cùng anh em trong chi hội, cho biết nếu không kéo mình ra khỏi phòng vẽ mấy ngày thì không thể biết được thêm bao nhiêu là điều lý thú và có được những bức tranh “nóng hổi”...

Dự phần vào những cuộc chơi lớn

Theo nhìn nhận của nhiều họa sĩ, khi sáng tác thực họa, điều khiến họ ái ngại nhất là làm thế nào để tác phẩm của mình vừa chân thực, sống động, vừa có thể thoát ra khỏi phạm vi không gian khá chật hẹp và cũng hết sức cụ thể của khung cảnh, nhân vật được họ chọn để sáng tác. Do vậy, khi đi thực tế, ai cũng phải chú ý quan sát, chọn lọc hình ảnh, liên tưởng và suy nghĩ rất nhiều. Và, nói như nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm - Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh kiêm Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, thì đi thực tế không có nghĩa là “gò” vào khuôn, là buộc phải sáng tác nguyên xi những gì mình nhìn thấy. “Vấn đề ở đây là đi thực tế, làm phác thảo để có “bột” cái đã. Còn sau đó, việc biến “bột” thành “hồ” như thế nào là tùy vào cảm nhận, sự thẩm thấu và khả năng chuyển hóa của mỗi người” - nhà điêu khắc Nguyễn Văn Hàm nói thêm.

“Nụ cười thiếu nữ Cơ Tu” của Vũ Trọng Anh - một trong những tác phẩm vượt qua được giới hạn của không gian thực họa để bước vào những sân chơi lớn.
“Nụ cười thiếu nữ Cơ Tu” của Vũ Trọng Anh - một trong những tác phẩm vượt qua được giới hạn của không gian thực họa để bước vào những sân chơi lớn.

Ở Quảng Nam, đáng mừng là sau những chuyến đi thực tế và làm phác thảo thực họa, hầu hết họa sĩ, nhà điêu khắc đã có được những tác phẩm chất lượng. Không ít tác phẩm thực họa đã thoát ra khỏi, làm mờ nhòe không gian cụ thể của khung cảnh để hóa thân, chuyển tải những thông điệp rộng lớn hơn. Không phải ngẫu nhiên mà trong 3 kỳ Triển lãm Mỹ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên gần đây nhất, có gần một nửa số tác phẩm của Quảng Nam được chọn trưng bày nhờ hoàn thiện sản phẩm từ những chuyến đi thực tế như đã kể. Ngoài ra, còn có thể kể đến một số trường hợp riêng lẻ. Các họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, Trần Văn Binh, Đoàn Minh Thuần từng đi trại sáng tác tại Vũng Tàu, vẽ về Vũng Tàu, nhưng tác phẩm sau đó lại có chỗ đứng đường hoàng trong các sân chơi mỹ thuật khu vực và quốc gia, nhờ những ký thác riết róng về tình yêu biển đảo quê hương. Hay như nhà điêu khắc trẻ Trần Đức, từ các phác họa có được sau mấy chuyến đi thực tế ở vùng cao Quảng Nam, anh đã chuyển hóa thành những bức điêu khắc gỗ khá ấn tượng, được giới chuyên môn đánh giá cao, được chọn trưng bày trong các triển lãm chuyên đề. Mới đây nhất là Vũ Trọng Anh, khoảng một nửa trong số gần 20 bức tranh sơn dầu được anh sáng tác trên cơ sở các ký họa trong chuyến đi thực tế ở Ta Bhing đã có người mua. Đặc biệt là trong seri tranh này, bức “Nụ cười thiếu nữ Cơ Tu” của anh đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam đề cử tham gia giải thưởng của Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam năm 2018 và cuối tháng 10 vừa rồi, bức tranh này còn được dự phần vào một cuộc triển lãm của anh tại Đức.

BẢO ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mỹ thuật trực họa bước vào sân chơi lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO