Myanmar: Cảnh báo kinh doanh hàng đa cấp

QUỐC HƯNG 14/03/2016 10:39

Nhiều người dân Myanmar đang được khuyến cáo cẩn thận với hình thức kinh doanh đa cấp.

Bán hàng đa cấp hay kinh doanh đa cấp là một phương thức tiếp thị sản phẩm, hoạt động kinh doanh bán hàng trực tiếp đến tay người tiêu dùng. Như vậy, người tiêu dùng có thể trực tiếp đến mua hàng tại công ty mà không phải qua các đại lý hay cửa hàng bán lẻ. Điều này đem lại một số ưu đãi, thuận tiện cho cả người mua và người bán. Thế nhưng, tại một số quốc gia, hình thức kinh doanh đa cấp của nhiều công ty ngày càng biến tướng, thậm chí có hành vi lừa đảo, quảng cáo quá lên về sản phẩm khiến rất nhiều người tham gia rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần.

Nhiều quốc gia kiểm soát chặt chẽ hình thức kinh doanh đa cấp. (Ảnh: triumpaladvertising)
Nhiều quốc gia kiểm soát chặt chẽ hình thức kinh doanh đa cấp. (Ảnh: triumpaladvertising)

Với mức lương 250USD/tháng, chị Ma Poe Poe mong muốn kiếm thêm thu nhập từ công việc khác bán thời gian. Chị nhanh chóng trở thành thành viên của công ty kinh doanh đa cấp Unicity sau khi đầu tư 1.000USD vào sản phẩm công ty. Chị Poe là một trong hàng nghìn người tại Myanmar tham gia kinh doanh đa cấp như thế. Hiện thu nhập của Poe khoảng 300USD từ Unicity, phụ thuộc vào số người chị tuyển dụng vào mạng lưới, bán sản phẩm. Chị Poe hiện đã bỏ công việc trước đây và làm việc cho Unicity toàn thời gian. Song, giờ chị bắt đầu lo lắng bởi những trường hợp may mắn như chị không phải nhiều tại Myanmar và kể cả tại nhiều quốc gia khác.

Đã có quá nhiều người tại Myanmar trắng tay từ kinh doanh hàng đa cấp. Như Ma Tin Zar, sinh sống tại ngoại ô North Okkalapa, bán mỹ phẩm cho một công ty kinh doanh đa cấp. Lúc đầu, công việc kinh doanh tỏ ra thuận lợi, nhưng rồi rủi ro xuất hiện khi sản phẩm không bán được. “Tôi đã mất khoản tiền không nhỏ do phải nộp cho công ty trước đó” - Zar nói. Hoài nghi bởi đến nay Zar chưa thể lấy lại được đồng nào từ công ty, lương hằng tháng chị không còn được nhận từ công ty. Ko Myat Thu, một người dân ở làng Zalon, bang Rakhine cho biết, một số người dân còn bán cả đất ruộng để theo đuổi kinh doanh đa cấp bởi mong được sớm giàu có, đổi đời và ước tính có khoảng 700 người tại Rakhine tham gia kinh doanh hàng đa cấp.

Không phải công ty kinh doanh đa cấp nào tại Myanmar hay tại  nhiều nước trên thế giới hoạt động hợp pháp, mang doanh thu ước mơ cho người tham gia. Trên trang web của Ủy ban thương mại liên bang Mỹ cảnh báo, nếu số tiền bạn có được dựa trên việc bán sản phẩm cho khách hàng, là hoạt động kinh doanh đa cấp hợp pháp. Ngược lại, nếu bạn muốn kiếm tiền dựa trên số người mà bạn tuyển dụng, theo kiểu kim tự tháp là hoạt động kinh doanh bất hợp pháp và đa số những người tham gia hình thức này đều bị mất tiền.

Eric Rose, làm việc tại một công ty luật của Myanmar khuyến cáo người dân Myanmar phải hết sức thận trọng với hình thức kinh doanh đa cấp bởi khi việc đã vỡ lở, người tham gia mất tiền, mất việc, bị đảo lộn cuộc sống và hiếm khi quyền lợi, số tiền đầu tư của họ được đảm bảo. Kinh doanh đa cấp hiện là một loại hình kinh doanh được kiểm soát rất khắt khe tại nhiều quốc gia trên thế giới. Như tại Hàn Quốc, mức trả hoa hồng đối với các công ty đa cấp cũng bị giới hạn không quá 35%. Các công ty đa cấp mới thành lập buộc phải ký một hợp đồng đảm bảo bồi thường tổn thất cho người tiêu dùng với một tổ chức trung gian.

QUỐC HƯNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Myanmar: Cảnh báo kinh doanh hàng đa cấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO