Trước thềm năm học mới 2015 - 2016, phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT về công tác chuẩn bị và những mục tiêu, giải pháp triển khai thực hiện các nội dung đổi mới giáo dục. Ông Hà Thanh Quốc cho biết:
Quy mô trường lớp năm học 2015 - 2016 tiếp tục được mở rộng. Toàn tỉnh có 789 trường học các cấp, gồm 245 trường mẫu giáo, mầm non, 274 tiểu học, 198 trường THCS, 18 trường cấp 1 - 2, 50 trường THPT, 4 trường cấp 2 - 3; tăng 6 trường so với năm học trước (gồm 5 mầm non, 1 tiểu học). Số lượng học sinh (HS) toàn tỉnh cũng tăng hơn 10.000 em, nâng tổng số lên 324.510 HS; trong đó gia tăng tập trung ở bậc học mầm non, tiểu học, ngược lại bậc THCS giảm mạnh với gần 2.400 em. Sở cũng đã hoàn thành sắp xếp, bố trí 65 giáo viên (GV) luân chuyển từ miền núi về đồng bằng, điều chuyển cán bộ quản lý, GV giữa các trường nhằm điều hòa, nâng cao chất lượng.
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc tặng cờ lưu niệm cho các thầy cô giáo tham gia hội thi giáo viên giỏi. Ảnh: X.PHÚ |
Chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị sớm lập kế hoạch đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, đảm bảo tất cả trường học phải khang trang trước khi bước vào khai giảng. Nhờ đó, từ nhiều nguồn vốn khác nhau đến nay khối phòng GD-ĐT đã đầu tư hơn 187 tỷ đồng xây dựng mới 300 phòng học, 89 phòng chức năng và sửa chữa hơn 500 phòng học, 180 phòng chức năng. Ngoài ra, các địa phương còn mua sắm bổ sung hơn 39.000 bản sách giáo khoa, 26.000 bản sách tham khảo, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy - học, đóng mới hơn 4.000 bộ bàn ghế… với số tiền hơn 16 tỷ đồng. Riêng cấp THPT đã đầu tư 31,5 tỷ đồng xây mới 35 phòng học, phòng bộ môn, sửa chữa nhỏ 29 công trình trường học; hơn 14 tỷ đồng mua bổ sung sách giáo khoa, bàn ghế học sinh, 270 bộ máy vi tính và nhiều trang thiết bị phục vụ dạy - học khác.
Có thể nói, nhờ sự quan tâm của tỉnh, các địa phương, trường học, đến nay công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng như các điều kiện thiết yếu khác phục vụ cho công tác dạy - học đã hoàn thành, sẵn sàng cho năm học mới với điều kiện tốt nhất.
* PV: Năm học 2015 - 2016, ngành sẽ có những mục tiêu và giải pháp nào để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ theo tinh thần đổi mới giáo dục một cách căn bản, toàn diện, thưa ông?
Ngành sẽ tập trung vào 4 nội dung trọng tâm cơ bản. Trước hết, đó là việc tăng cường tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ, GV nhận thức về các nội dung, nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Bởi hơn ai hết, các thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục là đối tượng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục. Nâng cao chất lượng đội ngũ cũng là một công việc cần tập trung đầu tư. Cơ sở vật chất rất quan trọng nhưng người thầy mới là điều kiện thiết yếu, góp phần quyết định đến chất lượng giáo dục. Sắp tới đây, toàn ngành cũng sẽ tổ chức rút kinh nghiệm sau 1 năm triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới giáo dục, trong đó tập trung đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá, công tác quản lý giáo dục. Ngành cũng sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành chức năng, các địa phương và toàn xã hội. Chẳng hạn, để chống bỏ học ở miền núi, chỉ nỗ lực của ngành GD-ĐT thôi chưa đủ mà phải có sự vào cuộc của địa phương.
Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ) - một trong 10 trường THPT vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia. |
Trong năm học này, được sự đồng ý về mặt chủ trương của tỉnh, ngành sẽ xây dựng các đề án như phát triển nâng cao giáo dục miền núi; rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch mạng lưới trường lớp; xây dựng Trường Phổ thông DTNT tỉnh thành trường chất lượng cao dành cho học sinh dân tộc thiểu số.
* PV: Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là tình hình thực hiện các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong đó đáng chú ý là xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở bậc THPT. Ông có thể cho biết kết quả đạt được đến thời điểm này?
Có thể nói, các chỉ tiêu về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, xây dựng trường chuẩn quốc gia ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS chúng ta đều đã hoàn thành, thậm chí vượt xa chỉ tiêu đề ra. Trước đó, do nhiều nguyên nhân, công tác xây dựng trường chuẩn ở cấp THPT chưa đạt kết quả như mong muốn. Vì vậy, năm học 2014 - 2015, ngành GD-ĐT tập trung toàn lực cho việc thực hiện các nhiệm vụ chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, trong đó có xây dựng trường THPT đạt chuẩn quốc gia.
Được sự quan tâm của tỉnh, hỗ trợ tích cực của các địa phương, sự vào cuộc của toàn ngành, đến nay việc xây dựng trường chuẩn quốc gia THPT đã có được kết quả đáng mừng. Từ chỉ có Trường Phổ thông DTNT tỉnh và THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) đạt chuẩn, sau gần một năm đẩy mạnh, đến thời điểm này cả tỉnh đã có 12 trường THPT được công nhận đạt chuẩn quốc gia. So với chỉ tiêu nghị quyết đề ra, chúng ta vượt 7%. Chỉ trong thời gian ngắn chúng ta đạt được kết quả đó không phải vì chạy theo thành tích mà đã xây dựng những trường chuẩn thực sự chất lượng.
* PV: Hiện nay, một trong những khó khăn của ngành là tình trạng dôi dư GV ở đồng bằng và yếu kém chất lượng ở miền núi. Vậy ngành có giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Có thể nói, tình trạng thừa - thiếu GV rơi vào cục bộ ở một số môn học, trường học. Do đó, trước mỗi đầu năm học ngành thực hiện điều động, luân chuyển GV nhằm điều hòa đội ngũ, nâng cao chất lượng. Đối với cấp THPT hiện nay, so với định mức biên chế theo quy định thì còn thiếu khi hiện mới chỉ đạt 1,91 GV/lớp trong khi quy định là 2,1 GV/lớp. Để đáp ứng nhu cầu cho các trường THPT ở miền núi, trong 2 năm 2010 và 2011, Sở GD-ĐT đã tuyển dụng hơn 500 GV với cam kết phục vụ lâu dài. Với đội ngũ này, dù thời gian chưa nhiều nhưng sau 4 - 5 năm công tác, các thầy cô cũng đã có được kinh nghiệm giảng dạy để góp phần nâng cao chất lượng.
Đối với đội ngũ GV do các huyện, thành phố, thị xã quản lý, đúng là hiện nay có tình trạng dôi dư ở các địa phương đồng bằng do thời gian qua nhận khá nhiều GV luân chuyển từ miền núi về. Tuy nhiên, các địa phương, trường học đã có nhiều giải pháp bố trí, sắp xếp đội ngũ hợp lý. Với số GV từ miền núi chuyển về, rõ ràng nhiều người chưa bắt nhịp với công việc giảng dạy ở đồng bằng. Do đó, tại buổi gặp mặt GV THPT từ miền núi chuyển về do Sở GD-ĐT tổ chức vừa qua, chúng tôi đã chia sẻ thật lòng rằng các thầy cô giáo cần nhanh chóng bắt nhịp với công việc, tự tìm tòi học hỏi thêm kinh nghiệm, nghiệp vụ chuyên môn để đáp ứng yêu cầu giảng dạy.
* PV: Xin cảm ơn ông!
NGỌC ÁNH (thực hiện)