Năm 2018 ngành giao thông vận tải giải ngân ước đạt 33.785 tỷ đồng

CÔNG TÚ 11/01/2019 07:52

(QNO) - Ngày 11.1, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của ngành GTVT. Giám đốc Sở GTVT Lê Văn Sinh chủ trì tại điểm cầu Quảng Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: CT
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Quảng Nam. Ảnh: C.T

Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước      

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, năm qua, công tác quản lý nhà nước chuyên ngành tiếp tục được Bộ GTVT tăng cường. Việc phối hợp với các ban, bộ ngành Trung ương và các địa phương ngày càng chặt chẽ và hiệu quả, đặc biệt là phối hợp chuẩn bị triển khai các dự án trọng điểm như một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông, nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, chuẩn bị đầu tư cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bên cạnh hoàn thành 100% chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT kịp thời ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền. Chất lượng dịch vụ vận tải tiếp tục được cải thiện, sản lượng vận tải hàng hóa và hành khách tăng hơn 10% so với năm 2017 (chỉ tiêu đề ra là 8 - 9%). Theo đó, sản lượng vận tải ước đạt 1.634 triệu tấn hàng; 4.641 triệu lượt hành khách; riêng vận chuyển hàng không đạt xấp xỉ 50 triệu hành khách, gần 410 nghìn tấn hàng hóa. Chỉ số năng lực quốc gia về logistics của Việt Nam năm 2018 tăng 25 bậc so với năm 2016, xếp hạng 39/160 nước. Tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương.

Bộ GTVT làm việc với Quảng Nam liên quan đến dự án cao tốc và công tác quản lý Nhà nước về GTVT. Ảnh: CT
Bộ GTVT làm việc với Quảng Nam liên quan đến tồn tại dự án cao tốc và công tác quản lý nhà nước về GTVT. Ảnh: C.T

Trên lĩnh vực quản lý đầu tư xây dựng, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT đã tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình. Qua tổng hợp, xem xét tình hình thực tế, Bộ GTVT dự kiến các nguồn vốn giải ngân năm 2018 ước đạt 33.785 tỷ đồng, đạt 92,99% kế hoạch; chấp thuận quyết toán 62 dự án BOT, BT hoàn thành, đưa vào sử dụng. Kế hoạch bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo chất lượng, tiến độ. Đơn cử như đường bộ đã hoàn thành quản lý, bảo trì 154 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 24.598km, 6.255 cầu, 12 bến phà, 10 công trình hầm; tổng số thu phí sử dụng đường bộ ước đạt 8.035 tỷ đồng, vượt thu 1.085 tỷ đồng.

Phương án cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GTVT được triển khai tích cực, bám sát và vượt yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (vượt 19,4% danh mục sản phẩm, hàng hóa kiểm tra chuyên ngành so với yêu cầu của Chính phủ). Công tác triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN của Bộ GTVT được chỉ đạo, triển khai hiệu quả.

Khắc phục hạn chế

Tại hội nghị, Bộ GTVT thừa nhận còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Chẳng hạn tai nạn giao thông tiếp tục giảm cả 3 tiêu chí, tuy nhiên số người tử vong vẫn còn cao, chỉ giảm 0,4% so với năm 2017, không đảm bảo chỉ tiêu giảm 5 - 10%; ùn tắc giao thông kéo dài tăng so với năm 2017. Tỷ lệ giải ngân không đạt so với kế hoạch được giao, dự kiến cả năm 2018 nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ chỉ giải ngân đạt hơn 90% kế hoạch. Một số dự án quan trọng như đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cầu Vàm Cống đang phải tập trung xử lý các tồn tại, hạn chế về chất lượng, tiến độ; một số tuyến quốc lộ trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên bị hư hỏng sau bão lũ đang phải tập trung khắc phục.

Việc lập, trình quyết toán của một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án vẫn chậm, không đạt kế hoạch đề ra. Huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn khó khăn. Cạnh đó, việc cung cấp thông tin, truyền thông của một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa kịp thời. Điển hình là mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị hư hỏng, song chưa được chủ đầu tư chỉ đạo sửa chữa kịp thời, cung cấp thông tin thiếu trách nhiệm gây dư luận xã hội không tốt.

Nhiều kiến nghị liên quan đến cải tạo, nâng cấp, mở rộng nhiều công trình hạ tầng giao thông của Quảng Nam chưa được quan tâm đầu tư sớm. Ảnh: CT
Mặt đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn 65km đầu tiên bị hư hỏng Ảnh: C.T

Xác định 2019 là năm tăng tốc phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, lãnh đạo ngành GTVT đặt quyết tâm khắc phục hạn chế, phát huy mạnh mẽ thành quả đạt được; bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; thực hiện tốt phương châm hành động của Chính phủ “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. Về vận tải, ngành phấn đấu đạt mức tăng trưởng 8 - 9% về tấn hàng hóa và lượt hành khách. Hoàn thành kế hoạch đầu tư công với số vốn dự kiến giải ngân hơn 28.912 tỷ đồng.

Thực hiện Năm an toàn giao thông 2019 với chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”, Bộ GTVT đặt mục tiêu kéo giảm tai nạn giao thông 5 - 10% cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, bị thương so với năm 2018; kéo giảm ùn tắc lưu thông, không để ùn tắc kéo dài hơn 30 phút. Liên quan đến công tác đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, Bộ GTVT sẽ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam phía đông, cảng hàng không quốc tế Long Thành, mở rộng cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.

Hiến kế cho năm 2019, các đại biểu Trung ương, địa phương đã nêu lên nhiều giải pháp trong thúc đẩy giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; giám sát đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; kiềm chế, kéo giảm tai nạn giao thông… Các địa phương cũng kiến nghị đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng. Riêng về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện dự thảo, trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô; sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt; hoàn thiện Đề án “Xử lý các vị trí đường ngang, lối đi tự mở để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt trên tuyến đường sắt quốc gia”. 

Phát biểu tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương, đánh giá cao kết quả lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện của Bộ GTVT nói riêng và ngành GTVT nói chung trong năm 2018. Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế mà ngành đang mắc phải. Đơn cử, hoàn thiện thể chế, chính sách còn chậm; quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông thiếu tính đồng bộ, hiệu quả chưa cao, vừa quyết định xong đã lạc hậu; kế hoạch hóa đầu tư chưa tốt; quản lý, khai thác dự án chưa hiệu quả ở một số dự án; quản lý, khai thác các dự án BOT còn bất cập; mất cân đối giữa các loại hình vận tải chưa được khắc phục; tai nạn giao thông diễn biến phức tạp; việc chủ động cung cấp truyền thông thông tin để giải thích, tiếp thu những vấn đề mà người dân, doanh nghiệp chưa kịp thời...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo, năm 2019 Bộ GTVT phải tham mưu hoàn thiện pháp luật liên quan, xây dựng cơ chế chính sách huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng; tái cấu trúc ngành, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ, vận tải; rà soát, điều chỉnh lập quy hoạch chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Năm 2018 ngành giao thông vận tải giải ngân ước đạt 33.785 tỷ đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO