Năm 2018: Nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề

LÊ DIỄM 22/03/2018 09:08

Thị trường lao động của tỉnh được khởi động với các sàn giao dịch được tổ chức ở tỉnh và các địa phương. Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn, nhưng lao động đến và đăng ký tìm việc còn quá thấp so với nhu cầu và chưa đáp ứng điều kiện “có tay nghề”.

Ở các huyện miền núi, lao động đến sàn giao dịch việc làm đông nhưng lại không có trình độ tay nghề nên khó xin việc. Ảnh: D.L
Ở các huyện miền núi, lao động đến sàn giao dịch việc làm đông nhưng lại không có trình độ tay nghề nên khó xin việc. Ảnh: D.L

Chênh lệch cung - cầu

Trong nửa đầu tháng 3 vừa qua, sàn giao dịch việc làm tỉnh đã được triển khai tại các huyện Nông Sơn, Đại Lộc, Hiệp Đức, Bắc Trà My. Theo ghi nhận của chúng tôi tại cả 4 sàn ở cơ sở cũng như sàn chính tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh được tổ chức định kỳ, người lao động đến các điểm sàn giao dịch quá ít. Là một trong số ít lao động đến với sàn giao dịch việc làm tổ chức ở Hiệp Đức, chị Hồ Thị Đào (xã Phước Trà) nói rằng chị nghe thông tin về sàn giao dịch việc làm qua hệ thống đài truyền thanh của xã nên rủ một số bạn bè cùng đến tìm kiếm việc làm. Nhưng chị chỉ là lao động phổ thông, chưa có nghề gì trong tay nên khó xin việc. “Tôi chưa từng đi làm xa nên còn tâm lý sợ đi xa. Mà xin việc ở huyện khó quá vì chưa có tay nghề. Trong huyện cũng có mấy công ty may tuyển lao động mà toàn thấy yêu cầu có kinh nghiệm nghề may, tôi không dám xin việc ở đó. Xem xong hết danh sách, không thấy có việc làm nào phù hợp” - chị Đào nói. Tương tự, anh Bùi Hoàng Tín (xã Quế Thọ) đến sàn giao dịch nhưng cũng không xác định được xin việc gì để làm vì không có tay nghề. Anh Tín chia sẻ, đến đây xem nếu có việc gì hợp thì xin vào làm, chủ yếu là công việc ổn định, mức lương không đòi hỏi vì anh biết mình điểm khuyết ở chỗ chưa có nghề nghiệp.

Tại các phiên chợ việc làm được Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức ở tỉnh và huyện, có gần 70 doanh nghiệp cử người trực tiếp tham gia hoặc ủy quyền trung tâm tuyển dụng. Theo đó, các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng gần 19 nghìn lao động, chủ yếu là lao động có tay nghề. Thế nhưng, theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, qua 5 phiên chợ việc làm, chỉ có gần 2 nghìn người đến tìm hiểu thông tin về việc làm. Trong số đó, chỉ hơn 700 người đăng ký học nghề, tìm việc làm tại các doanh nghiệp. Một con số quá chênh lệch giữa cung - cầu lao động ngay từ những tháng đầu năm 2018.

Cần lao động có tay nghề

Các doanh nghiệp đến với các sàn giao dịch việc làm được tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh và 4 điểm ở các huyện đều có điểm chung là cần lao động có tay nghề. Dù họ tuyển dụng lao động phổ thông những cũng yêu cầu phải có kinh nghiệm hoặc bằng nghề từ sơ cấp trở lên. Như Công ty TNHH MTV Công nghiệp Germton (Quế Sơn) do nhu cầu mở rộng sản xuất nên cần đến 2.000 công nhân và 170 lao động ở các vị trí tổ trưởng, chuyền trưởng, kiểm hàng... Theo yêu cầu tuyển dụng của công ty này, trong số công nhân may, công ty cần ngay 1.000 công nhân có nghề may để đi vào hoạt động sản xuất. Hoặc Công ty Panko Tam Thăng cần tuyển 2.000 công nhân, dù thông báo ghi có thể có tay nghề hoặc chưa có tay nghề, nhưng công ty vẫn thòng thêm câu “ưu tiên lao động có tay nghề”. Công ty Panko còn tuyển dụng thêm 900 công nhân kiểm tra chất lượng, công nhân ủi, cắt, gấp xếp, đóng thùng, dệt, nhuộm nhưng yêu cầu đi kèm phải có tay nghề ở từng vị trí việc làm. Nhiều công ty khác tuyển dụng lao động ở các vị trí kỹ sư, công nhân kỹ thuật và lao động phổ thông với số lượng từ vài người đến vài chục người cũng đều có những yêu cầu về trình độ tay nghề, thấp nhất thì phải có kinh nghiệm làm việc, hoặc chứng chỉ nghề dưới 3 tháng trở lên. Các ngành nghề được doanh nghiệp tuyển dụng nhiều ở lĩnh vực kỹ thuật gồm cơ khí, cơ điện, cơ khí động lực, hàn, vận hành các hệ thống máy móc...

Ông Lê Tôn Tưởng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp vẫn liên tục được thông báo đến các địa phương trong toàn tỉnh và trên website của Trung tâm Dịch vụ việc làm. Nhưng nguồn lao động ở đồng bằng dường như đã ở trạng thái bão hòa, nên doanh nghiệp rất khó tuyển dụng. Vì thế mà sàn giao dịch việc làm được trung tâm đưa về tận các địa phương, trong đó đã có 3 huyện miền núi nhằm giúp người dân tiếp cận với thông tin việc làm sát hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp với lao động để tuyển dụng ngay tại sàn. Vấn đề là trình độ tay nghề của lao động miền núi không có hoặc rất hạn chế nên khó tìm được việc làm, khi hiện nay doanh nghiệp đang cần lao động có tay nghề. Thực tế trên đã dự báo một năm đi tìm lao động vất vả của các doanh nghiệp.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Năm 2018: Nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO