Năm 2020, Quảng Nam chuyển đổi 810ha từ cây lúa sang các loại cây khác

CHÂU NỮ 21/05/2020 10:23

(QNO) - Theo kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa năm 2020 trên địa bàn Quảng Nam vừa được UBND tỉnh ban hành, tổng diện tích chuyển đổi từ cây lúa sang các loại cây khác là 810ha.

Năm 2020, Quảng Nam chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang các loại cây khác với diện tích 810ha. Ảnh: C.N
Năm 2020, Quảng Nam chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lúa sang các loại cây khác với diện tích 810ha. Ảnh: C.N

Trong đó, chuyển trồng cây hằng năm 686ha, chuyển trồng cây lâu năm 120ha, chuyển trồng sen kết hợp nuôi trồng thủy sản 4ha.

Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng năm 2020 của 12 địa phương gồm: Đại Lộc (35ha), Điện Bàn (20ha), Hội An (8ha), Tiên Phước (90ha), Hiệp Đức (82ha), Quế Sơn (350ha), Nông Sơn (52ha), Nam Trà My (50ha), Bắc Trà My (25ha), Nam Giang (15ha), Đông Giang (3ha), Phước Sơn (80ha).

Việc chuyển đổi này nhằm nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích canh tác, phát triển sản xuất bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

Đồng thời tổ chức lại sản xuất nông nghiệp ở một số khu vực, nhằm khai thác những tiềm năng lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên, lao động của địa phương. Mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, công thức luân canh, phương thức sản xuất phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp…

UBND tỉnh yêu cầu, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phải đúng quy định của pháp luật về quản lý đất đai và phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối tượng cây trồng được lựa chọn để chuyển đổi phải theo hướng tập trung tạo thành vùng sản xuất gắn với thị trường, hình thành mối liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa doanh nghiệp và hợp tác xã.

Ngoài ra, phải đảm bảo khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương, đảm bảo phục hồi lại hiện trạng ban đầu để trồng lúa trở lại khi cần thiết.

Để thực hiện đạt mục tiêu nêu trên, UBND tỉnh đề ra các giải pháp cụ thể về tuyên truyền; ứng dụng khoa học kỹ thuật; quản lý, tổ chức sản xuất; về cơ chế chính sách; về nguồn lực.

Sở NN&PTNT có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng đảm bảo có hiệu quả; hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện kế hoạch. Trong đó, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn về cơ cấu loại cây trồng chuyển đổi, các biện pháp kỹ thuật, quy trình sản xuất, tiêu chuẩn sản phẩm...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Năm 2020, Quảng Nam chuyển đổi 810ha từ cây lúa sang các loại cây khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO