(QNO) - Phát biểu trong cuộc họp báo cuối năm vừa diễn ra tại trụ sở New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres kêu gọi cần có những giải pháp thiết thực cho các vấn đề toàn cầu.
Tổng Thư ký Antonio Guterres nhận định, sự chia rẽ về địa chính trị khiến việc giải quyết các vấn đề toàn cầu trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Cuộc khủng hoảng phí sinh hoạt đang ảnh hưởng nặng nề và tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng.
Hầu hết các quốc gia nghèo nhất thế giới đang ở trong tình cảnh mất khả năng thanh toán và vỡ nợ. Năm 2022, các khoản thanh toán nợ của của các quốc gia nghèo nhất tăng vọt 35% - mức tăng lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Người nghèo ngày càng nghèo hơn.
Tuy vậy, ông Antonio Guterres nói: "Tôi muốn kết thúc năm nay với một niềm tin lớn lao nhất: đây không phải là lúc để đứng ngoài lề, đây là thời điểm để đưa ra phương án giải quyết, quyết tâm và thậm chí là hy vọng, vì bất chấp những hạn chế và khó khăn kéo dài, chúng tôi đang nỗ lực để đẩy lùi sự tuyệt vọng và tìm kiếm giải pháp thực sự".
Như mới đây, các đại biểu từ 190 quốc gia tại Hội nghị đa dạng sinh học của Liên hiệp quốc (COP15) tại Montreal (Canada) nhất trí về khung đa dạng sinh học toàn cầu mới, bắt đầu thiết lập một hiệp ước hòa bình với thiên nhiên.
Cạnh đó, thế giới đang chứng kiến một thước đo tiến bộ giúp giải quyết một số cuộc xung đột vốn diễn ra gay gắt trước đó, kéo một số xung đột khỏi bờ vực, như mang lại hy vọng hòa bình tại Ethiopia, Congo hay thỏa thuận ngừng bắn tại Yemen.
Bất chấp thách thức xung đột Ukraine, sáng kiến ngũ cốc Biển Đen tạo thuận lợi cho xuất khẩu lương thực và phân bón từ Ukraine.
Cạnh đó, biên bản ghi nhớ về việc xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga sang các thị trường toàn cầu không bị cản trở - đang tạo ra sự khác biệt.
Hơn 14 triệu tấn ngũ cốc và các loại thực phẩm khác được vận chuyển từ các bến cảng Biển Đen ở Ukraine.
Xuất khẩu lúa mì của Nga cũng tăng gấp 3 lần, chủ yếu được chuyển đến các nền kinh tế đang phát triển.
Sáng kiến lúa mì bao gồm khoảng 380 nghìn tấn do Chương trình Lương thực thế giới (WFP) vận chuyển để hỗ trợ hoạt động nhân đạo diễn ra ở Afghanistan, Ethiopia, Somalia và Yemen.
Chỉ số giá lương thực của của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAO) giảm trong 8 tháng liên tiếp (khoảng 15%) đã giúp hàng triệu người trên toàn cầu không rơi vào cảnh nghèo đói cùng cực.
Tuy vậy, Tổng Thư ký Antonio Guterres nói: "Vẫn còn nhiều việc phải làm do giá lương thực vẫn còn quá cao và khả năng tiếp cận phân bón vẫn còn quá hạn chế".
Trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia tăng tốc sử dụng năng lượng tái tạo, hạn chế việc sử dụng than đá và các nguồn năng lượng hóa thạch khác, đảm bảo các kế hoạch bảo vệ nhân loại trước thảm họa khí hậu và hệ sinh thái tự nhiên ngày càng tồi tệ.
Nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc Antonio Guterres nói, ông cũng thể hiện rõ quyết tâm hơn bao giờ hết để biến 2023 thành một năm vì hòa bình, một năm để hành động nhằm xây dựng nên một hành tinh “đáng sống” cho thế hệ mai sau.