UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch đầu tư công năm 2024 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Theo kế hoạch, năm 2024 tổng nhu cầu vốn thực hiện hơn 797,4 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển gần 357 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 440,5 tỷ đồng); trong đó ngân sách trung ương hơn 652,8 tỷ đồng, ngân sách địa phương gần 98 tỷ đồng.
Mục tiêu cụ thể của chương trình năm 2024 là phấn đấu giảm 2.500 - 2.800 hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm hơn 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm hơn 6%, đạt mục tiêu của chương trình theo Quyết định số 90 ngày 18/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ (giảm 0,3 - 0,4%/năm) và Nghị quyết số 06 ngày 4/5/2021 của Tỉnh ủy về tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025.
Để thực hiện hiệu quả kế hoạch trên, UBND tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm trong thực hiện chương trình; tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành, phối hợp trong tổ chức thực hiện chương trình; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo...
Theo thống kê, tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh hơn 1.150,7 tỷ đồng; nguồn vốn năm 2022 chuyển nguồn sang năm 2023 tiếp tục thực hiện gần 401 tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn năm 2023, tổng kế hoạch vốn của ngân sách Trung ương, tỉnh giao gần 750 tỷ, đến nay đã phân bổ chi tiết hơn 711,4 tỷ đồng, đạt 95% (số vốn còn lại của Dự án 2 phân bổ cho các sở, ngành, đơn vị của tỉnh và nguồn vốn đầu tư của Dự án 4 sẽ phân bổ chi tiết cho các danh mục dự án sau khi đảm bảo các thủ tục đầu tư, dự kiến trong tháng 8/2023).