Trong dòng người đi như vô tận tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp về lòng đất mẹ hôm qua, hẳn có rất nhiều nông dân khắp mọi miền Tổ quốc. Có người lính, bây giờ đã trở về với đường cày, đến với lễ truy điệu và an táng Đại tướng bằng chiếc xe đạp cà tàng. Có người lót dạ bằng nắm cơm như vắt cơm trên Điện Biên Phủ ngày trước để chờ cả ngày đón vị tướng của lòng dân. Bà con Quảng Bình, quê hương Đại tướng, không ít người là nông phu một nắng hai sương, cũng men đến vệ đường để được nhìn thấy đoàn linh xa đi qua.
Hôm nay, rồi thì họ lại trở về với câu chuyện ruộng đồng. Và hôm nay, cũng là ngày truyền thống của Hội Nông dân đất Việt. Bao nỗi niềm còn đó với chuyện mưa nắng đất đai, lo nắm cơm cho ngày mai.
“...Dân cày thường chiếm số đông trong nhân dân, dân cày là một lực lượng hậu bị khá mạnh của cách mạng, cho nên phàm một cuộc cải tạo xã hội một cách lớn lao phải có dân cày tham gia mới có kết quả”, đó là “Vấn đề dân cày” mà Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh cùng đề cập trong tác phẩm viết hồi năm 1937. Không chỉ là trang viết trên báo chí để cổ động dân cày đứng lên tự giải phóng mình, Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ trao quyền thống lĩnh đạo quân những người áo vải chân đất đi theo kháng chiến trường kỳ. Nông dân, lực lượng to lớn trong đội quân cách mạng, đã hy sinh vô bờ bến cho nền độc lập của Tổ quốc.
Nhắc câu chuyện dân cày trong sách vở liên quan đến vị tướng vừa an nghỉ vĩnh hằng trong lòng đất mẹ để thêm cảm nhận về nỗi niềm bà con nông dân. Họ bày tỏ nỗi đau trước mất mát một con người đã góp phần thay đổi số phận dân tộc. Họ còn mừng, còn tự hào vì niềm tin của mình về một con người đức trọng tài cao được cả dân tộc và thế giới ngưỡng mộ nguyên vẹn đến giây phút cuối cùng. Những cựu binh trở về ruộng đồng thấm thía hơn ai hết cái giá của mất mát hy sinh thời “áo vải chân không đi lùng giặc đánh”, và cả trận Điện Biên “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt, máu trộn bùn non”. Nhưng cũng chính những người lính nông dân ấy làm cho các bậc thức giả phải kính phục tấm lòng son sắt, yêu ghét phân minh, nghĩa tình trọn vẹn.
Bao năm tháng trôi qua mà những gì từ “Vấn đề dân cày” thức nhận vẫn còn nguyên giá trị, rằng, “... dân cày rất đáng cho ta mến phục: khi nào họ được giác ngộ, có tổ chức và có lãnh đạo thì họ có một sức mạnh quật cường to lớn. Lúc đó họ sẵn sàng san phẳng những trở lực trên bước đường tiến thủ của họ và của dân tộc. Song tất cả vấn đề là ở chỗ: giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo được dân cày”.
Câu chuyện nông dân viết nên thiên anh hùng ca đã được lịch sử chứng thực. Còn hôm nay? Sẽ còn rất nhiều điều để trăn trở, suy tư. Làm thế nào để thực hiện được ước nguyện “dân giàu nước mạnh” mà Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt đời theo đuổi là mục tiêu lý tưởng xuyên suốt. Trong những thước phim tư liệu về Đại tướng, ông đã nhiều lần nhắc đến ước nguyện ấy. Với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đất nước còn nghèo, nông dân, dân cày còn nghèo, là “nỗi nhục” cần phải xóa bỏ, cần phải có “Điện Biên Phủ trong kinh tế”. Hàng chục triệu nông dân Việt Nam đang cố gắng vươn lên trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Thành tựu lớn nhưng hạn chế, trở ngại, thách thức và cả sự thua thiệt của nông dân còn không ít.
Vắt cơm lên Điện Biên ngày trước và nắm cơm hôm nay còn bao câu chuyện trong tình tự dân cày.
ĐIỆN NAM