Cây nêu đã được dựng lên. Người Bh’noong buộc sợi chỉ từ ngọn cây xuống tới mâm cúng, nơi nghi thức tạ ơn Giàng (thần linh) đã chuẩn bị sẵn. Ngày tết rẫy, đồng bào làm lễ rước thần cùng về chứng giám, cầu mong mọi điều tốt lành, mừng mùa lúa mới bội thu…
Đó là nghi thức đầu tiên trong lễ hội tết mùa mà người Bh’noong (một nhánh dân tộc Giẻ Triêng) thực hiện sau khi cây nêu đã được dựng, con trâu đã buộc sẵn. Phụ nữ uy tín nhất trong làng được tiến cử đứng ra hành lễ. Người ta dâng lên những thứ có trên rẫy, trên rừng như một nghĩa cử cao đẹp thể hiện lòng tôn kính, tạ ơn với thần rừng. Ông A Song Ba - già làng ở Lao Đu (xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn) nói với tôi như thế, trong ngày hội tết mùa. Dù lễ hội bây giờ đã được nâng cấp theo quy mô toàn huyện, chủ yếu là để phục dựng và trình diễn, nhưng mọi nghi thức vẫn được thực hiện một cách đủ đầy theo văn hóa truyền thống.
1. Tết mùa, đầu tiên bao giờ cũng kể về câu chuyện của cây nêu. Đó là biểu tượng văn hóa lâu đời của một tộc người, mang ý nghĩa tâm linh rõ nét. Người Bh’noong gìn giữ truyền thống này như một báu vật. Bởi, cây nêu với họ như một vật thể trung gian, kết nối câu chuyện giữa con người và thần linh trong ngày hội tết mùa.
Hơn một nửa câu chuyện, già A Song Ba chỉ nói về cây nêu. Cây nêu với người Bh’noong là “đầu câu chuyện”. Ở một cộng đồng, người ta chỉ cần nhìn lên cây nêu, là có thể biết ngay dân làng chuẩn bị tổ chức sự kiện gì trong vài ngày tới. Tín hiệu được phát ra từ cây nêu, thông báo cho cháu con, họ hàng ở nơi khác biết, cùng tìm về, tề tựu trong câu chuyện vui buồn. Đám cưới, ma chay, mừng lúa mới, hay bất kỳ hoạt động nào đó diễn ra, đều được thể hiện ở cây nêu. Bằng sự thể hiện khéo léo và tinh tế, người ta biểu đạt sự giàu có, no đủ hoặc nghèo khó thông qua những hoa văn được khắc họa trên cây nêu của làng.
“Cây nêu của người Bh’noong thường được chia thành ba đoạn, tượng trưng cho thế giới quan về trời, đất và con người. Đây cũng là nhân sinh quan về tự nhiên và cây trồng xung quanh, thể hiện qua các biểu tượng bông lúa, loài cây trồng thân thiết bao đời đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho dân làng” - già A Song Ba chia sẻ.
Người vùng cao thường lấy gỗ để làm vật liệu chế tác cây nêu. Phải chọn cây thân gỗ thẳng đẹp, mọc ở những nơi có cảnh quan tươi tốt để mang về, rồi chạm trổ, điêu khắc và trang trí nên một cây nêu phù hợp theo câu chuyện của dân làng. Mừng tết mùa, nêu được dựng ở vị trí trung tâm. Người Bh’noong đóng 11 lần trụ nêu xuống đất, ước nguyện cho mưa thuận gió hòa, dân làng no đủ, khỏe mạnh.
Trước tết mùa khoảng chừng một tháng, người Bh’noong thường tổ chức lễ tạ ơn thần lúa. Nghi lễ này được thực hiện sau thời gian ăn lúa trăm (một loại lúa rẫy của đồng bào) nhiều lần. Trên mâm cúng, lúa được đặt ở chính giữa, dâng kèm cùng nắm cơm lam, bánh koát và một vài sản vật đặc trưng khác. Cây nêu, vì thế cũng được dựng lên, mang câu chuyện và ước vọng mới của dân làng gửi đến thần linh.
2. Nêu đã được dựng. Bắt đầu nghi thức cúng Giàng. Bảy tiếng chiêng và chín tiếng trống được đánh vang. Một vòng tròn người múa liên tục 6 vòng theo chiều kim đồng hồ. Là để tưởng nhớ những người thân, bà con trong làng đã mất. Sau đó, chủ cúng, thường là phụ nữ, lấy đồng xu thả xuống đất 3 lần, rồi tiếp tục múa 7 vòng theo chiều ngược lại. “Đó là múa cho mình, những người đang sống. Sau đó, đồng xu được thả thêm nhiều lần xuống, rồi mới được nhảy múa tự do”. Ông Vũ Xuân, một già làng uy tín ở xã Phước Đức kể theo diễn biến của lễ cúng trong ngày hội tết mùa.
Gần 70 mùa rẫy, già Xuân có thể nhớ vanh vách từng động tác, nghi thức diễn ra mà không mất nhiều thời gian suy nghĩ. Bởi với ông và nhiều đồng bào Bh’noong khác, tết mùa luôn được xem là ngày tết quan trọng và ý nghĩa bậc nhất của cộng đồng. Những nghi thức và lễ lạt này đã thấm sâu vào máu của đồng bào.
Sau vụ mùa nương rẫy, người Bh’noong tiến hành cúng lúa. Loại lúa baton truyền thống được trồng ở những sườn núi, là nguyên liệu duy nhất để làm ra bánh koát trong ngày hội làng. Vì thế, bằng mọi giá, người Bh’noong phải tìm cách bảo tồn cho được giống lúa baton quý hiếm. Đó cũng là quyết tâm giữ lấy nét văn hóa tết mùa không bị biến mất. Suốt 9 ngày tết, người Bh’noong chỉ “ăn tươi” trong 5 ngày. Bốn ngày còn lại là để “nghỉ cữ”.
Tết chung, nên người ta ăn từ nhà này sang nhà khác. Để có đầy đủ lương thực, thực phẩm cho 9 ngày ăn tết, trước đó, phụ nữ Bh’noong chọn những hạt gạo baton chắc, thơm, sáng nhất đem ra để làm bánh koát; đồng thời chọn những củ sắn tươi, to, đẹp để ngâm rượu cần. Đàn ông, ngoài công việc dựng nhà kho, làm cây nêu, nhiệm vụ chính là lên rừng kiếm thịt sóc, thịt chuột, cá suối… góp chung vào bữa tiệc vui cùng dân làng.
Nhưng, có điều khá thú vị, ngoại trừ nghi thức đâm trâu và múa cồng chiêng diễn ra quanh trụ cây nêu, còn lại chuyện ăn tết mùa của người Bh’noong đều diễn ra trong nhà. Ngay cả việc cúng thần linh cũng được đặt ở trong nhà kho, nơi “thần lúa trú ngụ”, theo quan niệm của đồng bào. Hơn nữa, do đặc trưng chế độ mẫu hệ nên phần lớn việc cúng bái trong gia đình cũng đều do phụ nữ đảm nhận thực hiện. Điều này khác xa so với một số tộc người khác sinh sống trên dãy Trường Sơn.
3. Không thể thiếu trong tết mùa, là trống chiêng và vũ điệu xoang kết hợp với plung tut. Vang vọng theo nhịp chiêng, những vũ điệu truyền thống nhịp nhàng theo những bước chân quyến rũ. Nam nữ Bh’noong mặc vào người những tấm choàng xalay lung linh sắc màu thổ cẩm. Phía dưới cổ chân, nơi tiếp giáp với xà cạp, người ta đeo nhiều vòng cườm ngũ sắc để tạo vẻ đẹp hài hòa, tăng sức cuốn hút cho ngày hội. Điệu dân vũ Bh’noong cũng nhờ thế mà thêm phần âm thanh và màu sắc rộn ràng.
Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Phước Sơn - Nguyễn Thế Thọ nói với tôi, sau một thời gian dài định cư, người Bh’noong ở một số vùng, nhất là người trẻ đang có nguy cơ “quên dần” văn hóa truyền thống của ông cha ngày trước. Từ thực tế đó, nhiều năm trở lại đây, huyện Phước Sơn đã quyết tâm khôi phục, tổ chức nhiều đợt lễ hội trên quy mô toàn huyện, đồng thời khuyến khích việc gìn giữ những giá trị truyền thống, nhất là lễ hội tết mùa vốn được xem là “linh hồn” văn hóa Bh’noong.
“Sau những tháng năm miệt mài truy tìm, bảo tồn và phục dựng, cuối cùng, địa phương cũng đã tái hiện thành công những lễ hội, nghi thức độc đáo, từ tết mùa, cưới hỏi, cho đến các vũ điệu múa cồng chiêng, hát lý, giao duyên trong cộng đồng. Đây cũng là một hướng mở cho phát triển du lịch từ văn hóa truyền thống vùng cao, góp phần thúc đẩy xóa đói giảm nghèo bền vững” - ông Thọ nói.
Ánh nắng mang hơi xuân đã bắt đầu rực rỡ trên từng nóc nhà sàn. Người Bh’noong xúng xính vui cười trong ngày hội làng, mừng vụ rẫy mới. Nắm cơm tạ thần rừng, thần lúa được đặt trong mâm cúng, rồi chia phần cho cháu con trong làng. Rộn rã trong nhịp chiêng ngân, là điệu múa với đủ đầy động tác tái hiện các hoạt cảnh ngày mùa. Giữa cuộc vui, người ta dắt nhau đến từng hộ gia đình không ăn tết (do phải chịu tang - PV) để mang biếu những phần thức ăn được cộng đồng dành lại trong ngày hội tết mùa chung của làng. Phía núi, những màu mây rực sáng…