(QNO) - Vốn là một thầy giáo dạy văn, một võ sư, nhưng nhiều người trong vùng và giới chơi gà đá lại thích gọi ông Lương Đình Khánh (78 tuổi, trú tại thôn An Mỹ 1, xã Tam An, Phú Ninh) là một “sư kê” gà đá. Là bởi ngoài sự đam mê, ông còn có nhiều kinh nghiệm về thú chơi gà nên được nhiều người tôn là bậc thầy gà đá của xứ Quảng.
Mê gà từ thuở còn “thò lò mũi xanh”
Chúng tôi vừa bước vào nhà ông Khánh, cùng lúc có 2 người đàn ông bế một con gà đá đến nhờ ông chỉ bệnh. Con gà bị cụp chân sau nhiều trận đấu, nhưng ông Khánh vẫn cười bảo: “Con này còn đá tốt, chân cụp là tật nhưng không ảnh hưởng gì nhiều, nó sẽ tự quen được”. Thế là 2 người đàn ông đó yên tâm đi về.
Ông Khánh quay sang trò chuyện với chúng tôi. Ông kể, từ năm 12 tuổi, nhà có người bác ruột cũng rất mê gà đá. Thế rồi sau nhiều lần rong rủi theo người bác xem những trận gà đầy kịch tính, trong ông bỗng dậy lên niềm thích thú kỳ lạ. “Xem đá gà cũng giống như xem đá banh. Dù không phải là gà mình, nhưng mình cũng phải chọn một con để hâm mộ. Có yêu, có quý thì xem gà đá nhau mới đã. Hồi hộp đến thót tim có. Tức giận, buồn tủi có. Rồi còn lúc thắng, vỡ òa trong cảm xúc cùng chủ gà” - ông Khánh chia sẻ.
Gà do ông Khánh huấn luyện đều có khả năng chiến đấu rất tốt. Ảnh: PHAN VINH |
Để sở hữu được một con gà, ông Khánh phải trải qua một quá trình khá dài và gian nan. Lúc bấy giờ, cả đất Tam Kỳ - Phú Ninh có ông Lý Quốc Quang (người xã Tam An bây giờ) nổi tiếng chơi gà. Gà ông Quang chiến đâu thắng đó, nên mỗi lần thấy ông bế gà đi đâu là cả làng chạy theo coi. “Đệ tử ruột” của ông Quang là ông Khánh. Ông Khánh được ông Quang tin tưởng giao gà cho chăm sóc và huấn luyện. Cũng nhờ vậy mà sau này ông Khánh tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi và luyện gà đá. Tuy nhiên, ban đầu ông chỉ được nhận chăm sóc gà trống. Sau một khoảng thời gian dài, ông Quang mới giao cho ông gà mái. Từ đây, ông Khánh bắt đầu nghĩ đến việc tạo giống cho riêng mình.
Ông nghe ngóng trong vùng có người mua được con gà giống Bình Định - một loài gà có sức chiến đấu bền bỉ, nên ông đã mượn về lai với con gà mái mà mình đang nhận chăm sóc. Gà sinh được 10 con, nhưng trong đó chỉ có 3 con trống. Ông phải luyện tập, thử sức trong một thời gian dài mới chọn được con gà ưng ý. “Nhìn vào dáng, con gà lúc đứng phải có tư thế thẳng như đang trú mưa. Mồng gà phải là mồng dôi áp đỏ. Trên chân có 2 hàng “dao lăm” thẳng tắp. Đặc biệt, gà mà có 2 khoanh “áng thiêng” - “phủ địa”, tức là 1 khoanh chỗ đầu gối và 1 khoanh dưới cổ chân, thì đấy là con gà rất máu chiến” - ông Khánh chia sẻ cách nhận dạng vẻ bề ngoài của một con gà “ác chiến”.
Trăn trở về thú chơi gà đá hiện nay
Theo ông Khánh, luyện gà cũng giống như dạy người. Nếu một người sở hữu năng khiếu trời cho nhưng lười trau dồi thì rất khó thành công. Gà cũng vậy, một con có bề ngoài “ác chiến” nhưng rơi vào tay chủ không biết cách luyện thì cũng bằng con số 0. Phương pháp chăm gà đá quan trọng nhất là tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn. Ăn đúng giờ, đúng tiêu chuẩn, đặc biệt phải luân phiên thay đổi thức ăn như lúa, rau, trái cây, thịt, lươn,... để đảm bảo dinh dưỡng. Đối với việc luyện tập sức khỏe cho gà đá, có hai phương pháp. Hoặc để 2 con đấu với nhau theo kiểu truyền thống hoặc dùng phương pháp áp gương vào lồng cho gà tự đá. Tuy nhiên, ông Khánh ưu tiên áp dụng kiểu luyện tập truyền thống hơn. Đối thủ của nhau phải đồng lứa và được bọc miệng lại nhằm tránh gây thương tích không cần thiết. Nhưng nếu đấu khoảng 20 phút thì phải cho gà nghỉ ngơi 2 tuần để giữ gìn sức khỏe. Còn phương pháp áp gương lồng mà nhiều người hiện nay thường sử dụng, ông Khánh đánh giá không cao. Để gà tự nhìn vào gương mà đá thì lúc mệt, nó sẽ đi bộ giống như hình ảnh của mình trong gương. Như vậy, về lâu dài gà sẽ mất tính hiếu chiến.
Nhiều người trong vùng gọi ông Khánh là "sư kê" gà đá. Ảnh: PHAN VINH |
Trong mấy chục năm chơi gà, ông Khánh đã trải qua biết bao thằng trầm và cũng có rất nhiều con gà giỏi được đào tạo từ bàn của ông. Nhưng trong số đó, ông vẫn tâm đắc nhất với con “Sặc cụt” (tức con gà đá lông sặc sỡ nhưng bị cụt đuôi). Những năm từ 1997 - 2000, khoảng thời gian ông theo học đại học tại chức ngành sư phạm Văn tại Trường Đại học Sư phạm Huế, ông cũng bồng con “Sặc cụt” theo. Cũng con gà này đã làm nên “tên tuổi” của ông Khánh vì gần như trận nào cũng bất khả chiến bại ở những nơi như Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi,... “Chuyện thắng thua sau một trận đấu không ai đoán trước được. Dù gà mình mạnh nhưng thua con yếu hơn cũng là chuyện bình thường. Xem một trận gà có thể ném trọn những cảm xúc, hồi hộp, tức giận, buồn tiếc, thông cảm,... đều có hết. Đó là cái thú của môn đá gà” - ông Khánh chia sẻ.
Nhiều người tôn ông Khánh là “sư kê” vì kinh nghiệm chăm sóc, luyện gà đá. Một ngày có khoảng hơn 20 người tìm ông để chỉ bệnh, hỏi han cách luyện gà hoặc đơn giản là đến để nghe ông kể chuyện gà. Anh Nguyễn Ngọc Thảo (20 tuổi, người thường xuyên đến hỏi chuyện ông Khánh) chia sẻ: “Xét về những con gà mà ông Khánh đang có thì còn thua nhiều người. Nhưng kinh nghiệm và những hiểu biết về gà của ông làm không ít người nể phục. Riêng với tôi, hễ có thắc mắc gì thì cứ đến hỏi ông Khánh là ra chuyện”.
Gà của ông nhiều người trên cả nước đến hỏi mua, có người ông gật đầu ngay, nhưng cũng có trường hợp dù trả giá cao cỡ nào ông cũng nhất quyết không bán. Người mua gà về để đá độ kiếm lợi nhuận thì ông Khánh từ chối hẳn. Gà ông nuôi bằng tâm, có mang đi đá cũng chỉ để tìm niềm vui. Nếu thấy ai có tâm, ông sẽ bán với giá rất rẻ. Như vừa rồi, ông Khánh đã bán cho một người Thái Lan con gà mà ông quý nhất chỉ với giá 4 triệu đồng. “Những trận đấu gà, tôi có bỏ tiền cũng chỉ vài đồng để được tham gia. Chứ như hiện nay, nhiều người chơi gà mà mang cả tiền triệu, tiền trăm ra độ thì tôi lại thấy ngao ngán. Vì một người yêu gà không bao giờ mang còn gà của mình vào những trò chơi may rủi để kiếm tiền. Đến từng tuổi này, tôi chỉ mong muốn được xem một trận gà trong sáng như vốn dĩ nó là một trò chơi dân gian xưa cũ” - ông Khánh trăn trở.
PHAN VINH - HẢI CHÂU