Từ những bất cập trong công tác quản lý, sắp xếp lại điểm trường, lớp gắn với bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục theo đề án của tỉnh... là những khó khăn của huyện Nam Giang trong việc triển khai công tác giáo dục tại địa phương.
Ông A Viết Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Giang cho hay, năm học 2019 - 2020, toàn huyện có 26 đơn vị trường học, với 624 cán bộ giáo viên, nhân viên và 7.792 học sinh miền núi. Những năm qua, bên cạnh làm tốt công tác phổ cập giáo dục, địa phương luôn duy trì và triển khai có hiệu quả công tác xây dựng trường lớp đạt chuẩn quốc gia, cũng như thực hiện đảm bảo và kịp thời các chế độ, chính sách cho học sinh, giáo viên vùng dân tộc thiểu số theo các quyết định của Chính phủ, của tỉnh.
Tuy nhiên, từ những phát sinh trong cơ chế chính sách về giáo dục khiến Nam Giang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc cần kịp thời tháo gỡ. Cụ thể, trong năm học này, từ yêu cầu khách quan, chính quyền địa phương đã giải quyết cho 21 giáo viên nữ nghỉ chế độ thai sản; đồng thời chuyển công tác 11 cán bộ và giải quyết nghỉ hưu trước tuổi cho 10 trường hợp khác. Điều này ảnh hưởng đến số lượng biên chế của các cơ sở giáo dục trực thuộc, khiến việc dạy học chưa đáp ứng so với nhu cầu hiện nay.
“Do vướng cơ chế nên địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong vấn đề hợp đồng giáo viên. Trong khi đó, UBND tỉnh vẫn chưa có kế hoạch thi tuyển biên chế năm 2020 để bổ sung chỉ tiêu còn thiếu so với chỉ tiêu giao” - ông Sơn nói.
Bên cạnh đó, chính quyền huyện Nam Giang cũng bày tỏ khó khăn trong việc triển khai thực hiện theo Công văn 2328 của Sở Nội vụ liên quan đến việc thẩm định đề án sắp xếp lại điểm trường, lớp gắn với bố trí đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục trên địa bàn tỉnh đến năm học 2020 - 2021. Theo đó, Sở Nội vụ đề xuất Nam Giang tiếp tục giảm 6 lớp trong năm học 2019 - 2020 và 2020 - 2021. Vấn đề này, ông Sơn nói là chưa phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, vì thế kiến nghị Sở GD-ĐT, Sở Nội vụ không cắt giảm số lớp, tỷ lệ giáo viên theo đề án mà Sở Nội vụ đã thẩm định.
Ông Nguyễn Công Thành - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho rằng, không chỉ Nam Giang, việc thiếu giáo viên là khó khăn chung của toàn tỉnh, chủ yếu do thiếu theo chỉ tiêu biên chế được giao và theo vị trí việc làm. Hiện Sở GD-ĐT đang cùng Sở Nội vụ tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh để có phương án tốt nhất, sớm nhất giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kéo dài trong thời gian qua. Trước mắt, cần phải rà soát lại toàn bộ mạng lưới trường lớp, đồng thời tính toán việc xét tuyển để có cơ sở bổ sung, đảm bảo theo chỉ tiêu nhu cầu dạy học hiện nay.
Liên quan khó khăn, bất cập trong giáo dục miền núi, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân giao Sở GD-ĐT phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành rà soát, tham mưu UBND tỉnh để có hướng giải quyết, đảm bảo nhiệm vụ phát triển giáo dục cho đồng bào vùng cao.