Nam Giang kiến nghị quan tâm tạo điều kiện phát triển, bảo tồn cây dược liệu

BÍCH LIÊN 10/09/2019 09:25

(QNO) - Chiều 6.9, đoàn công tác Ban Dân tộc HĐND tỉnh do bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh làm trưởng đoàn làm việc với UBND huyện Nam Giang về kết quả thực hiện công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng trên địa bàn huyện. Tham gia cùng đoàn có ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với huyện Nam Giang về công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ. Ảnh: BÍCH LIÊN
Ban Dân tộc HĐND tỉnh làm việc với huyện Nam Giang về công tác bảo tồn, phát triển cây dược liệu và lâm sản ngoài gỗ. Ảnh: BÍCH LIÊN

Theo báo cáo, Nam Giang có diện tích rừng tự nhiên lớn cộng với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, do đó tài nguyên rừng, thực vật rừng rất phát triển với nhiều loài cây dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ có giá trị kinh tế cao phân bố trong tự nhiên như nấm lim xanh, lan gấm, sâm bảy lá một hoa, sa nhân tím, thiên niên kiện, đảng sâm, lá nón, mây các loại…

Năm 2018, thực hiện Quyết định số 301/QĐ-UBND của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2018 - 2025, định hướng đến năm 2030, huyện Nam Giang đã được quy hoạch các loài dược liệu ngoài tự nhiên bao gồm: đảng sâm 6.578ha, ba kích 12.555ha, sa nhân 13.833ha, giảo cổ lam 782ha và lan kim tuyến 1.199ha.

Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, qua ghi nhận của huyện, sản lượng khai thác lâm sản ngoài gỗ, các loài dược liệu ước chừng 100 tấn sâm cau đỏ, 900 tấn mây, 4.500 lít mật ong, 30 tấn sa nhân, 2 tấn nấm lim xanh, 5 tấn chuối rừng, 300 tấn ươi và một số loại dược liệu khác... Đa số các loài cây dược liệu, lâm sản ngoài gỗ đều có giá trị rất cao so với cây trồng truyền thống. Do đó, việc thực hiện thu hái, bán các sản phẩm này mang lại thu nhập cao cho người dân địa phương; tuy nhiên, do chủ yếu khai thác từ tự nhiên nên nguồn thu này không ổn định và bền vững.

Triển khai Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh, giai đoạn 2017 - 2018, Nam Giang hỗ trợ giống trồng mới 54,94ha cây dược liệu với tổng kinh phí hơn 2,4 tỷ đồng, hỗ trợ 122 hộ gia đình và 38 nhóm hộ trồng dược liệu. Cụ thể, năm 2017 hỗ trợ giống cây dược liệu cho nhân dân trồng mới 21,6ha (ba kích, đảng sâm, sa nhân tím) với tổng kinh phí 936 triệu đồng, hỗ trợ 94 hộ gia đình và 15 nhóm hộ tại các xã Tà Bhing, Chơ Chun, La Dêê trồng dược liệu.

Năm 2018 cấp giống trồng mới 33,34ha ba kích tím với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng, hỗ trợ 28 hộ gia đình và 23 nhóm hộ tại các xã Đắc Tôi, La Dêê, Chà Vàl, Zuôih, Cà Dy, Chơ Chun và thị trấn Thạnh Mỹ. Ngoài ra, từ nhiều nguồn vốn lồng ghép khác, huyện cũng đã hỗ trợ giống cây dược liệu phục vụ mục tiêu bảo tồn, phát triển.

Theo kiến nghị của UBND huyện Nam Giang, giai đoạn tới, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban ngành có liên quan quan tâm tạo điều kiện cho huyện trong phát triển và bảo tồn cây dược liệu; có chủ trương đưa loài dược liệu sâm bảy lá vào quy hoạch phát triển cây dược liệu tại địa phương để có thể vận dụng kinh phí hỗ trợ từ các chính sách, chương trình nhằm bảo tồn và phát triển loài cây này (hiện có nhiều ở xã Chơ Chun).

Nam Giang cũng đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí thực hiện điều tra, thống kê loài và trữ lượng, vùng phân bố của các loài cây dược liệu có giá trị ngoài tự nhiên trên địa bàn. Huyện cũng đề xuất Sở NN&PTNT, Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cùng các ban ngành ban hành các hướng dẫn chính thức về quy trình trồng, chăm sóc các loài cây dược liệu, từ đó làm căn cứ xây dựng các hướng dẫn quy trình kỹ thuật để tập huấn cho người dân đăng ký tham gia trồng dược liệu trên địa bàn huyện...

* Sáng cùng ngày, đoàn đã khảo sát thực địa vùng trồng cây ba kích dưới tán rừng và mô hình cây sa nhân mọc tự nhiên trong vườn rừng nhà dân tại xã Zuôih. Nhìn chung, cây giống ba kích hỗ trợ từ Nghị quyết 202 cho người dân xã Zuôih trồng dưới tán rừng có tỷ lệ sống thấp. Nguyên nhân phần lớn là do khâu bảo vệ, chăm sóc sau trồng hạn chế.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nam Giang kiến nghị quan tâm tạo điều kiện phát triển, bảo tồn cây dược liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO