(QNO) – Những ngôi nhà trống hoác, những khuôn mặt mệt mỏi, thẫn thờ. Nam Giang sau 3 ngày bão tan vẫn ngổn ngang bùn đất. Cuộc sống nhiều hộ dân vốn đã vất vả nay càng thêm khó khăn chồng chất.
Ngổn ngang sau bão
Anh ALăng Ơn - làng Pà Ong, xã Cà Dy tựa tấm vách gỗ nhìn về phía đồi xa không buồn nói chuyện. Chỉ sau một đêm, tất cả tài sản, cơ ngơi của 2 vợ chồng trôi theo dòng nước. “Mất hết rồi. Tiền bạc, giấy tờ cũng không còn” - anh Ơn thẩn thờ. Cũng may, trước khi đi làm 3 đứa con anh đã được giửi về nhà nội, nếu không chẳng biết chuyện gì xảy ra.
Hai vợ chồng anh Ơn nấu ăn cho học sinh tại Trường Trung cấp nghề Thanh niên dân tộc Miền núi Quảng Nam, cách nhà vài cây số. Khi bão 9 xảy ra, nước lũ dâng cao, vợ chồng không thể về nhà được, phải ở lại trường. Bão tan, lũ rút anh Ơn cùng vợ tất tả về làng. Cả hai chết lặng khi trước mắt họ căn nhà chỉ còn lại khung gỗ trống hoác; cột kèo xiêu vẹo; tôn tơi tả vương vắt lên những ngọn cây trên đồi. Vợ chồng vừa khóc vừa gom nhặt từng chiếc chén, bát, xoong nồi, áo quần bám đầy bùn đất.
Làng Pà Ong có 25 hộ dân, phần lớn là đồng bào Cơ Tu, hầu hết nhà đều bị ngập lũ.
Anh Bhờ Nướch Ninh – người dân trong làng cho biết, chưa bao giờ anh thấy nước lũ về nhanh và nhiều như vừa rồi. “Khoảng 14 giờ bão vào, chưa kịp tan thì 16 giờ nước lũ ầm ào đổ về, không ai kịp mang theo thứ gì, tất cả đều bỏ của chạy lên đồi cao, chỉ 30 phút nước đã vô nhà hơn 2 mét, bàn ghề, áo quần, lúa gạo trôi hết, bây giờ chẳng còn gì” - anh Ninh kể.
Cách xã Cà Dy khoảng 10km, thị trấn Thành Mỹ cũng ngập chìm trong nước lũ trong đêm 28.10. Theo ông Bling Phấn - làng Pờ Dấu 1, thị trấn Thành Mỹ, chỉ sau vài tiếng vừa chạy bão, vừa vật lộn với lũ, tài sản nhà ông chẳng còn gì. Những tấm ván mỏng ngôi nhà gỗ đã bị nước xé toạc cuốn trôi đi hàng chục mét.
Chiều 30.10, hàng chục thanh niên, người dân trong làng lội bùn cố neo lại những cây trụ gỗ xiêu vẹo giữ cho ngôi nhà không ngã đổ.
Nhà anh Huỳnh Ngọc Sơn kế bên cũng không khá hơn, tất cả vật dụng trong nhà, sách vở của còn đều ngập ngụa bùn đất. Mấy hôm nay gia đình anh phải ở nhờ nhà hàng xóm, tranh thủ nắng lên hai vợ chồng vội vã về nhà dọn bùn, nhặt nhạnh những áo quần còn sót lại giặt rửa phơi khô để mặc.
"Thủy điện Đắk Mi phải có trách nhiệm"
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Nam Giang, trong cơn bão số 9 vừa qua, ngoài 1 người bị thương thì thiệt hại chủ yếu về tài sản với 4 căn nhà sụp đổ hoàn toàn; hơn 80 căn nhà tốc mái, hư hại; 275 căn nhà bị ngập lụt, đất đá trôi vào nhà; trên 365 hec ta cây cối, hoa màu, lúa rẫy chuẩn bị thu hoạch bị mất trắng; hàng trăm gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi... Đặc biệt, tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện giáp với địa phận huyện Phước Sơn bị sạt lở nặng tại Km1535 +800. Ngoài ra, các tuyến giao thông từ xã Chà Val đi xã Đắc Pring, xã La Êê đi xã Chơ Chun, thôn Công Dồn đến thôn Pà Rum (xã Zuôih) bị sạt lở nhiều điểm ách tắc giao thông...
Ông A Viết Sơn – Phó Chủ tịch phụ trách UBND huyện Nam Giang cho rằng, việc Thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ ngay và trong cơn bão với lưu lượng lớn là không hợp lý, và đây là nguyên nhân chính gây hư hại nhà cửa người dân.
"Sau khi Tỉnh ủy và UBND tỉnh thống nhất chủ trương, các cơ quan chức năng của huyện và Công ty CP Thủy điện Đắk Mi sẽ cùng phối hợp kiểm tra thực tế thiệt hại của người dân, thiệt hại nào do bão, thiệt hại nào thuộc về lũ do thủy điện xả nước gây ra sẽ được làm rõ, trên cơ sở đó, Công ty CP Thủy điện Đắk Mi phải có trách nhiệm hỗ trợ người dân trong thời gian sớm nhất” - ông Sơn thông tin.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương –Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Giang – Phó Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện, trước đây thủy điện Đắk Mi 4 có trang bị hệ thống loa thông báo xã lũ tại các cụm dân cư trên địa bàn huyện, nhưng khoảng 3 năm trở lại đây hệ thống loa này đã bị hỏng nhưng không được sửa chữa, dẫn đến việc người dân không được thông báo lũ xả kịp thời. “Việc xả lũ gây ngập úng, mất mát tài sản người dân có trách nhiệm của Công ty CP Thủy điện Đắk Mi” - ông Chương quả quyết.
Trước đó, lúc 15 giờ ngày 28.10, Công ty CP Thủy điện Đắk Mi thông báo, Thủy điện Đắk Mi 4 dự kiến sẽ vận hành xả lũ vào lúc 15 giờ 30 ngày 28.12, lưu lượng xả tràn dự kiến 11.400m3/giây. Đồng nghĩa, việc xả lũ chỉ diễn ra sau 30 phút khi có thông báo. Xã Cà Dy và thị trấn Thạnh Mỹ cách hồ thủy điện Đắk Mi 4 lần lượt khoảng 40km và 50km.