Những tiềm năng đã được gọi tên, nhưng việc đánh thức lợi thế để hướng tới giảm nghèo - một trong những mục tiêu cụ thể của địa phương, vẫn đang gặp nhiều trở lực. Đánh giá lại những nguồn lực, tìm hướng đi mới, giúp đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy… là những lời giải cho bài toán này trong bối cảnh hiện nay.
Mô hình nuôi heo cỏ địa phương đang đem lại hiệu quả kinh tế cho đồng bào miền núi Nam Giang. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Vẫn ỷ lại vào chính sách
Cà Dy là xã được đánh giá có nhiều điều kiện thuận lợi về giao thông, địa hình, cùng với hàng loạt chương trình, dự án trọng điểm được triển khai trong khuôn khổ những chính sách hỗ trợ cho đồng bào miền núi ở huyện Nam Giang. Những năm qua, địa phương này cũng đã phối hợp các đoàn thể, tổ chức nhiều hội nghị giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho lao động miền núi. Tuy nhiên, dù có khá nhiều chương trình, kết quả giảm nghèo ở địa phương này vẫn dừng lại ở mức rất khiêm tốn. Năm 2017, chỉ có 8 hộ đăng ký thoát nghèo. Con số này vào năm 2018 tăng lên 11 hộ. Ông Doãn Bing - Chủ tịch UBND xã Cà Dy cho hay, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vẫn còn nặng trong đại bộ phận người đồng bào thiểu số. Đặc biệt, các gia đình có con học đại học, cao đẳng tìm tới UBND xã kiến nghị xin được… quay lại nghèo để con em được hưởng chính sách khi đi học. Tỷ lệ hộ nghèo của xã ở thời điểm hiện tại lên đến 66,92%, tỷ lệ hộ cận nghèo hơn 9%. Năm 2018, có 28 hộ thoát nghèo, song lại có tới… 32 hộ nghèo mới phát sinh. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, là do tổng số hộ tăng, thay vì số hộ nghèo giảm như các địa phương khác.
Câu chuyện giảm nghèo ở xã Cà Dy như một minh chứng cho những trở lực ở Nam Giang hiện nay. Ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nhìn nhận, Nam Giang là huyện có diện tích lớn nhất tỉnh, nhiều đường quốc lộ nhất tỉnh, là điểm xuất phát của tuyến đường Đông Trường Sơn, có biên giới, cửa khẩu… “Có thể nói, Nam Giang không thiếu tiềm năng. Các cơ chế, chính sách cho miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số cũng không hề thiếu. Nguồn lực có, tiềm năng lớn, nhưng việc phát huy rõ ràng chưa đủ mạnh nên tỷ lệ giảm nghèo không được như kỳ vọng” - ông Võ Hồng nói. Theo ghi nhận, từ đầu nhiệm kỳ (2016) đến nay, tỷ lệ giảm nghèo đạt trung bình 4,58%/năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, năm 2018, tỷ lệ này chỉ đạt 2,9%, tỷ lệ giảm hộ cận nghèo chỉ xấp xỉ 1%, phần nào thể hiện sự kém bền vững trong nỗ lực giảm nghèo của địa phương. “Ngoài những hộ nghèo thuộc diện bảo trợ, không có lao động, Nam Giang vẫn còn một lượng lớn những hộ nghèo có khả năng vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, việc tuyên truyền về các cơ chế chính sách cũng như giáo dục nâng cao nhận thức, xóa tâm lý trông chờ, ỷ lại vẫn còn nhiều hạn chế, khiến mục tiêu này chưa được như mong đợi” - ông Võ Hồng cho biết thêm.
Tìm giải pháp mới
Theo báo cáo của Huyện ủy Nam Giang, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chương trình giảm nghèo bền vững của huyện đã triển khai nhiều hoạt động, kế hoạch cụ thể, huy động, bố trí nguồn vốn trên 638 tỷ đồng cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh. Các giải pháp tín dụng, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm tạo nguồn lực cho người dân thoát nghèo cũng được tập trung thực hiện. Trong 3 năm qua (2016 - 2018), địa phương cũng tiếp nhận từ các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo của các tổ chức, cá nhân với số tiền 3,85 tỷ đồng. Những con số phần nào phản ánh nỗ lực của địa phương trong công tác giảm nghèo, kéo theo tỷ lệ giảm nghèo vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Song, phải nhìn nhận lại thực tế, cần có những bước đi mới căn cơ hơn để công cuộc giảm nghèo ở Nam Giang nhanh, mạnh và bền vững hơn so với thời điểm hiện tại.
Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ, giải pháp cấp bách hiện nay là cần đẩy mạnh tuyên truyền, để người dân nắm bắt được các chương trình, chính sách, lợi ích được hưởng khi đăng ký thoát nghèo. Đồng thời phải đa dạng hóa sinh kế của người dân, thay cho việc sản xuất nông nghiệp vốn phụ thuộc lớn vào thời tiết, quỹ đất lại đang eo hẹp dần. “Tôi nghĩ địa phương cần chủ động mời các chuyên gia, tổ chức hội thảo để tìm hướng đi về sinh kế cho bà con. Người dân địa phương thiếu phương tiện sản xuất, không có việc làm. Trong khi đó, nhà máy xi măng Xuân Thành đóng ở Thạnh Mỹ đang thiếu hụt hàng trăm lao động, sẵn sàng mở cửa đón nhận lao động địa phương với yêu cầu khá đơn giản là tốt nghiệp cấp hai trở lên. Đây là một nghịch lý, cho thấy việc đào tạo nghề cho lao động còn yếu và cần được chú trọng. Phải xây dựng thành phong trào, có sự kèm cặp đối với các hộ nghèo để họ vươn lên ngay trên quê hương mình để giảm nghèo hiệu quả” - ông Triều nói.
PHƯƠNG GIANG