Đã bớt nỗi lo về trường lớp, cũng qua rồi cái thời “thiếu trước hụt sau” đội ngũ giáo viên (GV) mỗi khi năm học mới đến; nhưng năm nay, ngành GDĐT lại “đau đầu” với nỗi lo khác: thừa người ở đồng bằng và kém chất lượng ở miền núi.
|
Giờ học ở trường THPT Phan Châu Trinh (Tiên Phước). Ảnh: X.PHÚ |
Đồng bằng: thừa số lượng
Năm học 2012 - 2013, TP.Tam Kỳ thừa 19 GV bậc THCS. Chưa biết xoay xở ra sao với số GV diện dư thừa này thì năm học 2013 - 2014 sẽ phải tiếp nhận thêm GV luân chuyển từ miền núi về theo Nghị quyết 146 của HĐND tỉnh. Dù công việc đã trở thành thường xuyên từ 4 năm nay nhưng nỗi lo vẫn hiển hiện nơi lãnh đạo thành phố, ngành GDĐT khi càng ngày “bài toán” thừa GV càng khó giải quyết hơn. Ông Trần Ngọc Sơn - Trưởng phòng GDĐT Tam Kỳ chia sẻ: “Chúng tôi đang thừa GV THCS nay lại tiếp nhận thêm thì rõ ràng là khó cho công tác bố trí nhân sự. Dạy thiếu tiết đã khó, bố trí cho các thầy cô làm công việc trái tay nghề của họ lại càng khó. Việc này dẫn đến nghịch lý là dù thừa nhưng một số bộ môn nhiều năm qua thiếu GV như tin học, mỹ thuật, tổng phụ trách mà vẫn không thể bổ sung được. Ngay cả năm nay thành phố đề xuất nhận thêm 8 GV theo nhu cầu nâng cao chất lượng đang công tác tại các địa phương chuyển về nhưng vẫn chưa được sự đồng ý của tỉnh”.
Ba năm qua, các huyện miền núi đã tuyển dụng khá nhiều GV, chẳng hạn Nam Trà My 228, Tây Giang 135, Bắc Trà My 135, Đông Giang 117. Sở GDĐT cũng đã tuyển dụng 523 GV phục vụ cho các trường THPT miền núi. Trong khi đó, các địa phương đồng bằng được “bổ sung” hơn 600 GV từ các huyện miền núi chuyển về. Hiện tại, toàn ngành có 24.282 cán bộ, GV, công nhân viên, trong đó có 18.927 GV. |
Theo kế hoạch của Ban chỉ đạo triển khai đề án Luân chuyển GV tỉnh, năm 2013 Tam Kỳ sẽ tiếp nhận 63 GV, trong đó 3 mầm non, 19 tiểu học và 41 GV bậc THCS. Nếu nhận hết số GV này, nhất là GV THCS thì ngành GDĐT Tam Kỳ sẽ vô cùng khó khăn trong việc bố trí sử dụng. Để giải quyết tình trạng này, đồng thời nhằm hạn chế việc dạy thêm học thêm tràn lan, ông Sơn cho biết ngành đã có chỉ đạo và khuyến khích các trường THCS có điều kiện về cơ sở vật chất tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở một số bộ môn, một số khối lớp. Hiện nay, các trường cũng đang xây dựng kế hoạch, có thể bắt đầu triển khai từ năm học 2013 - 2014. “Chỉ có giải pháp này mới mong giải quyết tình trạng thừa GV hiện nay. Trước đây, thành phố cũng đã đưa ra giải pháp tạm thời là phân công GV chưa đủ số tiết dạy theo quy định làm thêm nhiệm vụ tại trung tâm học tập cộng đồng nhưng điều này chỉ giải quyết được một phần” - ông Sơn nói.
Không chỉ tập trung ở đô thị tỉnh lỵ, áp lực “thừa mà thiếu” cũng đang đè nặng lên các huyện như Thăng Bình, Quế Sơn, Phú Ninh. Riêng huyện Quế Sơn, chỉ tính bậc THCS, năm học vừa qua thừa đến 98 GV. Dù đã linh hoạt giải quyết theo nhiều phương án như bố trí GV bậc THCS xuống dạy tiểu học nhưng chỉ thực hiện một số ít nên vẫn không thể giải được “bài toán” thừa GV đang ngày càng gia tăng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại huyện Phú Ninh. Ông Nguyễn Phi Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện bày tỏ lo lắng trước thực trạng trên, trong khi một số bộ môn thiếu GV nhưng không bổ sung được vì không còn chỉ tiêu biên chế. Cạnh đó, huyện cũng gặp khó khăn về kinh phí.
Miền núi: hụt hẫng chất lượng
Không phải canh cánh nỗi lo thiếu GV mỗi khi năm học mới đến như cách đây vài năm, thế nhưng ngành GDĐT miền núi lại đang đau đầu với “bài toán” chất lượng đội ngũ khi mà lực lượng GV của địa phương phần lớn còn khá trẻ, thiếu kinh nghiệm giảng dạy. Dịp hè vừa qua, 10 thầy cô giáo công tác lâu năm đã chia tay ngành GDĐT huyện Nam Trà My để về công tác tại các địa phương đồng bằng, nâng tổng số GV luân chuyển khỏi địa phương trong 3 năm qua lên con số gần 140 người. Tuy nhiên, điều mà Nam Trà My lo lắng không phải là thiếu GV. Ông Nguyễn Trường Sinh - Trưởng phòng GDĐT Nam Trà My chia sẻ: “Chúng tôi không lo thiếu vì đã có GV hợp đồng và thực tế hiện nay rất nhiều em đang “khát” công việc nên địa phương dễ dàng tuyển dụng khi có nhu cầu. Điều lo lắng nhất đối với giáo dục miền núi nói chung, Nam Trà My nói riêng là chất lượng đội ngũ”. Thật vậy, 3 năm qua, để bù lại số GV chuyển công tác và đáp ứng nhu cầu giảng dạy, huyện Nam Trà My đã tuyển dụng mới 228 GV. Trong thời gian ngắn như vậy, việc tuyển hơn 200 GV mới ra trường, nhất là lên công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vốn hoàn toàn xa lạ với họ thì chất lượng giảng dạy là điều đáng lo.
Tương tự, theo ông Huỳnh Kim Tín - Trưởng phòng GDĐT huyện Tây Giang, năm học 2013-2014 nhờ số lớp giảm nên dù có 22 GV chuyển công tác nhưng huyện vẫn không phải đối mặt với tình trạng thiếu GV đứng lớp. Hơn nữa, trong 3 năm qua, huyện cũng đã bổ sung cho ngành 135 GV để đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Trong đó phần lớn là GV trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng. “Số thầy cô giáo lớn tuổi xin chuyển về đồng bằng ngày càng nhiều. Bây giờ đội ngũ GV của địa phương hầu hết là trẻ, có nhiệt huyết, năng lực tốt nhưng chưa có kinh nghiệm trong giảng dạy, giao tiếp với học trò người dân tộc thiểu số ở miền núi” - ông Tín nói.
Nhiều lãnh đạo ngành GDĐT huyện miền núi tâm sự ngay cả việc lựa chọn GV giỏi, có kinh nghiệm để làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi cũng đã là điều khó khăn. Rõ ràng, với đội ngũ thầy cô giáo trẻ như hiện nay, mục tiêu nâng cao chất lượng đối với giáo dục miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó mà đạt được. Hơn nữa, khi các địa phương miền núi chưa chủ động được đội ngũ GV thì sự hẫng hụt về chất lượng của giáo dục miền núi hiện nay và trong thời gian tới là điều không thể tránh khỏi.
XUÂN PHÚ