Sáng nay 5.9 cùng với cả nước, hơn 332.000 học sinh (HS) các cấp trên địa bàn cả tỉnh bước vào khai giảng năm học mới 2018 - 2019. Đây là năm học ngành giáo dục xác định tiếp tục đẩy mạnh các nhiệm vụ đổi mới và nhiều mục tiêu quan trọng khác.
Học sinh đầu cấp được cô giáo dắt vào trường ngày khai giảng. Ảnh: X.PHÚ |
Năm nay, cả tỉnh có 816 trường học các cấp, so với năm học 2017 - 2018 giảm 8 trường mầm non, tiểu học, THCS và thành lập mới Trường THPT Võ Chí Công tại huyện Tây Giang. Số lượng trường học giảm là do các địa phương thực hiện sáp nhập theo chủ trương rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp của trung ương và tỉnh.
Đổi mới tuyển sinh, đánh giá
Trong số 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà ngành đề ra trong năm học 2018 - 2019, việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai các mục tiêu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT được coi là “sợi dây xuyên suốt”. Đổi mới mạnh mẽ nhất trong thời gian vừa qua là công tác tuyển sinh đầu cấp. Cụ thể, tuyển sinh lớp 10 năm học 2018 - 2019 của Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, HS dự thi 3 môn, ngoài Văn, Toán còn thêm môn Tiếng Anh. Việc thay đổi phương thức tuyển sinh từ xét tuyển trước đây sang thi tuyển cạnh tranh hiện nay có thể coi là bước đột phá nhằm nâng cao chất lượng đầu vào cho ngôi trường dành cho con em người dân tộc thiểu số này. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm nay giảm xuống còn 85%. Đây là chỉ tiêu thấp nhất trong nhiều năm qua, ngoài mục tiêu nâng cao chất lượng đầu vào còn đẩy mạnh phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS.
Đón học sinh mới vào trường. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Bên cạnh tuyển sinh đầu cấp, một nhiệm vụ quan trọng khác của năm học này được ngành quan tâm là công tác kiểm tra, đánh giá - một khâu rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học vừa qua, với nhiệm vụ quản lý chuyên môn của mình, Sở GD-ĐT đã ra đề kiểm tra học kỳ chung cho HS toàn tỉnh. Điều đáng nói, không chỉ ra đề cho khối lớp 10, 11, 12 ở 9 môn, lần đầu tiên sở còn ra đề chung cho khối lớp 9 ở 8 môn, khối lớp 6 ở 3 môn. Cạnh đó, lần đầu tiên sở tổ chức nhiều đoàn kiểm tra chuyên môn giáo viên các cấp học do địa phương quản lý. Theo ông Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng phòng Giáo dục THPT Sở GD-ĐT, việc ra đề kiểm tra học kỳ chung giúp cho ngành có được đánh giá đúng thực chất mặt bằng chất lượng giáo dục cả tỉnh, từ đó có chỉ đạo chuyên môn hợp lý, sâu sát hơn. Đồng thời tạo ra hiệu ứng tích cực trong việc quản lý dạy học ở các cơ sở giáo dục. Năm học này, ngành sẽ tiếp tục nghiên cứu để đổi mới công tác tuyển sinh, kiểm tra, đánh giá cũng như tổ chức các kỳ thi cấp tỉnh.
Những hy vọng mới
Thông tin từ Sở GD-ĐT, chuẩn bị cho năm học mới 2018 - 2019, toàn ngành đã đầu tư hơn 361 tỷ đồng xây mới 562 phòng học, 176 công trình vệ sinh, sửa chữa 102 phòng học; đầu tư hơn 176 tỷ đồng mua sắm máy vi tính, thiết bị, đóng mới bàn ghế. Trong đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia được quan tâm, bởi đây được coi là giải pháp tổng thể nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học vừa qua, cả tỉnh có thêm 29 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT đạt chuẩn lên 502 trường (tỷ lệ gần 61%). Xây dựng trường chuẩn ở bậc THPT gặp khó khăn nhất, song đến nay cũng đã có 16 trường hoàn thành nhiệm vụ. Năm học 2018 - 2019, ngành giáo dục tập trung đầu tư để các trường THPT Lê Quý Đôn, Phan Bội Châu (Tam Kỳ), Lương Thế Vinh (Điện Bàn), Trần Văn Dư (Phú Ninh) đạt chuẩn. Hiện nay, dự án đầu tư các trường học này đã được phê duyệt.
Giáo dục miền núi, vùng dân tộc trong năm học 2018 - 2019 cũng có nhiều nét mới cùng những hy vọng mới. Trong khi cả tỉnh đang tập trung thực hiện sắp xếp lại trường lớp thì năm học này vùng biên giới của huyện Tây Giang đón chào một ngôi trường mới - Trường THPT Võ Chí Công. Ngoài ra, đề án “Tập trung nguồn lực nâng cao chất lượng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh” và đề án “Chính sách, chế độ đối với trẻ mầm non, HS phổ thông, sinh viên người dân tộc thiểu số” đang được khẩn trương xây dựng để tham mưu cho tỉnh ban hành. Đây được coi là 2 đề án động lực, sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của giáo dục miền núi.
Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT, công tác tuyển sinh đầu cấp, kiểm tra, đánh giá sẽ tiếp tục được đổi mới bên cạnh công tác kiểm định chất lượng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, tạo bước đột phá cho quản lý dạy và học. Ngoài ra, nhiệm vụ trọng tâm năm học này là tiếp tục rà soát để sắp xếp lại mạng lưới trường học, đội ngũ giáo viên; xây dựng kế hoạch để chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục thực hiện tốt công tác phân luồng.
XUÂN PHÚ