Năm học 2022 - 2023: Quảng Nam chưa tăng học phí

XUÂN PHÚ 18/07/2022 07:48

Đề án học phí từ năm học 2022 - 2023 vào phút cuối không trình tại Kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh (khai mạc sáng nay 18.7). Đây là đề án trong quá trình xây dựng đã nhận được rất nhiều ý kiến băn khoăn bởi mức thu học phí được đề xuất tăng chóng mặt.

Theo dự thảo Đề án học phí giáo dục phổ thông, học phí học sinh THCS khu vực thành thị tăng 5 lần, từ 60 nghìn đồng lên 300 nghìn đồng/tháng. Ảnh: X.P
Theo dự thảo Đề án học phí giáo dục phổ thông, học phí học sinh THCS khu vực thành thị tăng 5 lần, từ 60 nghìn đồng lên 300 nghìn đồng/tháng. Ảnh: X.P

Từ năm học 2020 - 2021 trở về trước, mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo Nghị quyết 13 (19.7.2016) của HĐND tỉnh trên cơ sở Nghị định 86 (2.10.2015) của Chính phủ.

Lẽ ra năm học 2021 - 2022 vừa qua, thu học phí phải thực hiện theo Nghị định 81 (27.8.2021) của Chính phủ (thay thế Nghị định 86 hết hiệu lực). Thế nhưng, chia sẻ khó khăn, giảm bớt gánh nặng tài chính với phụ huynh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các đợt thiên tai bão lũ, sau khi Bộ GD-ĐT đề xuất với Chính phủ và có văn bản hướng dẫn, Quảng Nam đã quyết định mức thu học phí của năm học 2021 - 2022 như trước đó.

Tại cuộc họp Chính phủ với các địa phương hôm 4.7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị miễn học phí cho học sinh bậc THCS toàn quốc từ năm học 2022 - 2023. Trước đó từ năm học 2020 - 2021, TP.Hải Phòng đã miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông. Mới nhất, TP.Đà Nẵng cũng vừa quyết định miễn 100% học phí năm học 2022 - 2023 cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông.

Không còn “gia hạn” nên từ năm học 2022 - 2023, mức thu học phí giáo dục phổ thông được thực hiện theo Nghị định 81 (27.8.2021) của Chính phủ.

Trong hai năm 2020 - 2021, Quảng Nam chịu tác động khắc nghiệt của dịch bệnh Covid-19 và thiên tai, để lại hậu quả nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt của người dân, nhất là những gia đình nghèo, chịu tác động trực tiếp. Vì vậy, theo đề án của UBND tỉnh, mức học phí mới năm học 2022 - 2023 được đề xuất bằng mức sàn (mức thu thấp nhất) của mức thu quy định tại Nghị định 81.

Cụ thể, mức thu hằng tháng bậc học mầm non ở khu vực thành thị 300 nghìn đồng, nông thôn 100 nghìn đồng, miền núi 50 nghìn đồng; THCS tương ứng là 300 nghìn đồng - 100 nghìn đồng - 50 nghìn đồng; THPT 300 nghìn đồng - 200 nghìn đồng - 100 nghìn đồng (theo Nghị định 81 mức cao nhất khu vực thành thị là 650 nghìn đồng, nông thôn 330 nghìn, miền núi 220 nghìn đồng).

Dù vậy, để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và điều kiện kinh tế của người dân, UBND tỉnh đề xuất ngân sách tỉnh hỗ trợ học phí trong học kỳ 1 năm học 2022 - 2023 (từ tháng 9 đến 12.2022) tương ứng với khoản chênh lệch giữa mức sàn và khung quy định mức thu học phí năm học 2022 - 2023.

Có nghĩa, học kỳ 1 năm học 2022 - 2023, người học vẫn nộp học phí theo mức cũ (hàng tháng mầm non khu vực thành thị 105 nghìn đồng, nông thôn 45 nghìn đồng, miền núi 20 nghìn đồng; THCS tương ứng là 60 nghìn đồng - 30 nghìn đồng - 15 nghìn đồng; THPT 105 nghìn đồng - 65 nghìn đồng - 20 nghìn đồng).

Từ học kỳ 2 năm học 2022 - 2023 người học mới nộp học phí theo mức mới. Từ năm học 2023 - 2024 trở đi, mức thu học phí được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng và khả năng chi trả của người dân nhưng không quá 7,5% mỗi năm.

Có thể thấy, mức học phí tăng rất nhiều, cao nhất là bậc THCS khu vực thành thị tăng 5 lần (từ 60 nghìn đồng/tháng lên 300 nghìn đồng/tháng), mầm non và THPT gần 3 lần (105 nghìn đồng tăng lên 300 nghìn đồng). Khu vực miền núi cũng có mức tăng rất lớn như THPT tăng 5 lần (từ 20 nghìn đồng lên 100 nghìn đồng).

Tại cuộc họp góp ý đề án học phí mới từ năm học 2022 - 2023, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường thông tin, khi lấy ý kiến của các địa phương để xây dựng đề án học phí tham mưu UBND tỉnh, có đến 14 huyện, thị xã, thành phố không thống nhất tăng học phí. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng, lẽ ra phải giảm học phí vì điều kiện kinh tế của người dân sau dịch Covid-19 gặp nhiều khó khăn.

Ông Tường cũng cho biết bản thân rất băn khoăn nếu tăng mức thu học phí ở thời điểm này. Còn bà Lương Thị Bích Ngọc - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH chia sẻ, rất trăn trở trước đề xuất tăng học phí, nhất là người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

Nói về đề án học phí, Phó Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thanh Thảo cho biết, bà cũng “giật mình” khi Nghị định 81 ra đời trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp (tháng 8.2021).

Theo bà Thảo, hiện nay tình hình dịch đã lắng, nhưng kinh tế - xã hội chưa trở lại như trước. Vì vậy, thu theo mức mới gây khó khăn cho người dân. Nhìn ở khía cạnh khác, ông Đinh Văn Hươm - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh bày tỏ lo ngại xảy ra tình trạng học sinh THPT miền núi bỏ học gia tăng vì không có tiền đóng học phí tăng cao.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Năm học 2022 - 2023: Quảng Nam chưa tăng học phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO