Năm học mới 2018-2019: Băn khoăn thiếu giáo viên

XUÂN PHÚ 17/08/2018 03:27

Tại hội nghị tổng kết năm học 2017-2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 do Sở GD-ĐT tổ chức hôm qua 16.8, vấn đề thiếu giáo viên (GV) và tìm giải pháp nâng cao chất lượng được nhiều đại biểu đề cập.

Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Quảng Nam được coi là thành công về công tác tổ chức cũng như kết quả thi. Ảnh: X.P
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Quảng Nam được coi là thành công về công tác tổ chức cũng như kết quả thi. Ảnh: X.P

Nhiều nơi kêu khó

Nhiều trường THPT cho biết tình trạng thiếu GV tồn tại vài năm qua như THPT Chu Văn An (Đại Lộc), THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm song đến nay vẫn chưa được khắc phục. Theo thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, việc tuyển chọn GV cho trường chuyên rất khó khăn. Tuy nhiên, năm học qua có 3 GV là cựu học sinh tốt nghiệp đại học sư phạm xuất sắc thuộc diện thu hút của tỉnh về giảng dạy tại trường nhưng cho đến nay vẫn chưa được tuyển dụng chính thức.

Ở cấp huyện, tình trạng thiếu GV vẫn xảy ra. Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Arất Blúi kiến nghị, có thể cho địa phương tính toán hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế để giải quyết việc thiếu GV hiện nay và khẳng định “số này sau này không phải được đặc cách vào biên chế mà phải thi tuyển cạnh tranh”. Ông Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT Nam Trà My cho biết, theo kế hoạch huyện sẽ cắt giảm 83 biên chế sự nghiệp trong khi đang thiếu GV. Cũng vì không đủ GV nên không dạy 2 buổi/ngày, không thể dạy ngoại ngữ mà nay cắt nữa thì rất khó khăn. Ngoài ra, hiện có 122 GV xin chuyển công tác ra ngoài địa phương song địa phương buộc phải giải quyết theo nguyện vọng cá nhân. Có vẻ như “bó tay” trước thực trạng thiếu GV nên lãnh đạo một địa phương cho rằng, tỉnh không cho hợp đồng nên giải pháp đưa ra là… dừng dạy học 2 buổi/ngày để chuyển sang dạy 1 buổi.

Liên quan đến công tác tuyển sinh lớp 10 và chất lượng giáo dục nhiều người ủng hộ tỷ lệ tuyển sinh 85% như hiện nay góp phần thực hiện chủ trương phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS, nâng cao chất lượng, hạn chế bỏ học. Thầy Nguyễn Đình Sanh - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Quế Sơn) đề nghị những năm sau nên chọn phương án thi tuyển lớp 10 nhằm nâng chất lượng, ngăn tình trạng bỏ học. Đồng thời nên linh hoạt tỷ lệ tuyển sinh theo từng năm, vì có năm nhiều học sinh, có năm ít, nếu cứng nhắc sẽ dẫn đến việc thừa - thiếu GV, cơ sở vật chất. Chia sẻ về tỷ lệ tốt nghiệp THPT vừa qua đạt thấp nhất tỉnh, Hiệu trưởng Lê Văn Tâm của Trường THPT Khâm Đức (Phước Sơn) cho biết, 49 em hỏng tốt nghiệp hầu hết có nguyên nhân là các em không chuyên cần và dự thi ban khoa học xã hội. Dù vậy, kết quả này vẫn được địa phương ủng hộ để năm sau học sinh cố gắng hơn.

Rà soát, bố trí GV hợp lý

Về kết quả năm học qua, Sở GD-ĐT cho biết toàn ngành tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả một số chỉ tiêu trong Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đến năm 2025. Chất lượng giáo dục không ngừng được tăng lên; trong đó đáng chú ý đã tổ chức thành công kỳ thi THPT quốc gia với tỷ lệ tốt nghiệp THPT hơn 95%, nhiều em đạt điểm cao tuyển sinh đại học. Chất lượng mũi nhọn có nhiều chuyển biến, đặc biệt đạt 31 giải kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, dẫn đầu các tỉnh khu vực duyên hải miền Trung - Tây Nguyên. Quy mô, mạng lưới trường lớp học tiếp tục phát triển và được sắp xếp hợp lý, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Về nhiệm vụ năm học 2018-2019, ngành GD-ĐT đề ra 10 nhóm nhiệm vụ, trọng tâm là tiếp tục rà soát để sắp xếp lại mạng lưới trường học; xây dựng kế hoạch để triển khai chương trình, sách giáo khoa mới; tiếp tục đổi mới công tác tuyển sinh nhằm nâng cao chất lượng, công tác phân luồng học sinh sau bậc THCS…

Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Thanh Quốc, trong số 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm học 2018-2019 là việc sắp xếp mạng lưới trường lớp, đội ngũ theo chủ trương của Trung ương và đây cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất hiện nay. Chung quanh kiến nghị của các trường THPT phải quyết liệt điều hòa GV nhằm nâng cao chất lượng, giải quyết thừa - thiếu cục bộ, ông Quốc cho biết sở đã họp và đi đến quyết định trong thời gian tới việc điều động GV sẽ có thời hạn 1 năm. Như vậy, ai đi trước, ai đi sau, ngày đi, ngày về sẽ rõ ràng. Hơn nữa, ngành tài chính cũng đã rất quyết liệt, không đưa tiền lương về cho các trường thừa GV nên ngành cũng phải thực hiện đúng quy định.
Về câu chuyện thiếu GV, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định thực tế hiện nay theo báo cáo của Sở Nội vụ tại các địa phương chỉ thiếu cục bộ 237 GV chứ không có chuyện thiếu hơn 1.200 GV và đây chỉ là thực hiện không hết chỉ tiêu biên chế giao. Chủ trương của tỉnh là không hợp đồng GV và sắp tới sẽ tổ chức thi tuyển cạnh tranh để bổ sung cho số chỉ tiêu biên chế chưa sử dụng hết. Do đó, các địa phương, trường học cần phải tiến hành rà soát, sắp xếp lại đội ngũ để tính toán phân công, bố trí GV hợp lý cho năm học mới chờ thi tuyển. Đồng thời tránh bài học vụ 110 GV THPT hợp đồng không được xét đặc cách và thay đổi điểm xét tuyển của một số thí sinh đào tạo theo hệ thống tín chỉ tại kỳ xét tuyển viên chức giáo dục năm 2017. Liên quan đến chủ trương cắt giảm biên chế, ông Quốc khẳng định Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học của Bộ GD-ĐT vừa qua là giảm cán bộ quản lý, nhân viên chứ không cắt giảm GV, phải đảm bảo quy định tỷ lệ GV/lớp.

XUÂN PHÚ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Năm học mới 2018-2019: Băn khoăn thiếu giáo viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO