Chuẩn bị bước vào năm học mới 2019 - 2020, nhưng nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang thiếu giáo viên, nhất là bậc mẫu giáo, tiểu học.
Năm học 2019 - 2020, Trường Tiểu học số 1 Nam Phước (huyện Duy Xuyên) có 22 lớp ở điểm trường chính (17 lớp) và điểm trường thôn (5 lớp) với hơn 670 học sinh. Toàn trường có 27 giáo viên, hiện còn thiếu 5 giáo viên. Việc thiếu giáo viên trong hai năm qua ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dạy và học của nhà trường, trong khi những giáo viên, nhân viên hợp đồng chưa an tâm công tác do mức lương chưa đáp ứng nhu cầu. Ông Hồ Tâm Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 1 Nam Phước cho biết: “Do có 2 điểm trường cách xa nhau nên việc thiếu giáo viên đứng lớp là rất khó khăn cho việc bộ trí giáo viên. Với 5 giáo viên còn thiếu trong năm học mới này, trường đã được Phòng GD-ĐT huyện bố trí các nguồn để hợp đồng giáo viên thỉnh giảng”.
Năm học mới này, huyện Duy Xuyên còn thiếu khoảng 200 giáo viên mầm non và tiểu học, trong khi đó giáo viên THCS lại thừa. Theo ông Phùng Hoàng - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên, việc thiếu giáo viên gây nhiều khó khăn cho năm học mới, nhất là các trường khối tiểu học. Nhiều trường hiện không có đủ giáo viên để phân công chủ nhiệm lớp, có trường 15 lớp nhưng chỉ có 11 - 12 giáo viên, không đảm bảo mỗi lớp một giáo viên đứng lớp theo quy định. “Phòng GD-ĐT huyện Duy Xuyên tham mưu UBND huyện cho hợp đồng một số giáo viên, kể cả giáo viên nghỉ hưu xin hợp đồng lại. Phòng cũng xin huyện cho hợp đồng một số em sinh viên sư phạm mới ra trường nhưng chưa có việc làm để đảm bảo đủ số lượng giáo viên bước vào năm học mới” - ông Phùng Hoàng nói.
Thị xã Điện Bàn cũng thiếu khoảng 300 giáo viên trong năm học mới 2019 - 2020. Ông Trương Công Nên - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn cho biết: “Năm học 2018 - 2019, ngành giáo dục thị xã thiếu rất nhiều giáo viên, tập trung ở các trường khối tiểu học. Đơn vị tham mưu và được UBND thị xã giao cho hiệu trưởng các trường chủ động hợp đồng giáo viên và thị xã trả tiền hợp đồng. Bổ sung giáo viên thiếu trong năm học mới 2019 - 2020, UBND thị xã tiếp tục giao cho các trường hợp đồng giáo viên theo tiết. Riêng khối mầm non và THCS thì không bị áp lực thiếu giáo viên, vì trường mầm non tư thục được đầu tư đã giúp thu hút các cháu trong độ tuổi ra lớp; còn khối THCS trên địa bàn thị xã qua rà soát thì thiếu không nhiều, khoảng hơn 40 giáo viên nên có thể thu xếp bố trí được”.
Theo rà soát của Sở GD-ĐT, đến thời điểm này, toàn tỉnh còn thiếu gần 2.100 giáo viên ở các bậc mầm non, tiểu học, THCS và THPT tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố. Trong đó, khối mầm non thiếu 616 giáo viên, khối tiểu học thiếu 1.042 giáo viên, THCS thiếu 273 giáo viên và THPT thiếu 162 giáo viên. Trong năm 2017, UBND tỉnh tổ chức 2 đợt thi tuyển viên chức giáo dục. Qua đó, đã bổ sung cho các địa phương hơn 1.300 giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học và THCS nhưng các năm qua vẫn liên tiếp tái diễn tình trạng thiếu giáo viên. Nguyên nhân là số lượng giáo viên nghỉ hưu đúng tuổi và xin nghỉ hưu trước tuổi tăng, số lượng giáo viên dạy hợp đồng sau khi tham gia thi tuyển viên chức giáo dục không đậu đã xin nghỉ việc ở nhà ôn luyện chờ thi tuyển viên chức lại…
Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, hiện nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh đều thiếu giáo viên; có địa phương thiếu do chỉ tiêu biên chế giao nhưng cũng có nơi thiếu theo quy định tại Thông tư 06 năm 2016 của Bộ GD-ĐT. Trên thực tế thì có trường này, địa phương này thiếu thì trường khác, địa phương khác lại thừa giáo viên. Cùng với việc thi tuyển viên chức giáo dục thì tiếp tục sắp xếp, tinh giản cán bộ, điều tiết giáo viên nơi thừa - thiếu cục bộ. Sở GD-ĐT và các địa phương sẽ xem xét cân đối sĩ số học sinh tối thiểu 30 - 45 em/lớp để giảm số lớp và giảm giáo viên…