Sinh năm Quý Hợi, cụ Nguyễn Đạo (1803 - 1872) một đời không có chức tước, học vị cao nhưng nhân cách của cụ khiến xã hội trọng vọng, lưu danh thơm hậu thế.
Văn thánh Thăng Bình do nghĩa sĩ Nguyễn Đạo góp phần đặt nền móng xây dựng ngày trước hiện nằm trong khuôn viên Trường Tiểu học Kim Đồng (thị trấn Hà Lam). Ảnh: Q.T |
Sinh ra ở vùng đất học Hà Lam, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình ngày nay), từ nhỏ cậu bé mồ côi cha Nguyễn Đạo đã hun đúc ý chí đèn sách để mong vinh quy bái tổ. Theo gia phả của tộc Nguyễn làng Hà Lam, năm 17 tuổi (năm 1820) cụ Nguyễn Đạo đã hai lần đỗ tường sinh và được cấp học bổng tại Trường Đốc tỉnh ở làng Thanh Chiêm, phủ Điện Bàn. Thế nhưng hơn 20 năm lều chõng lai kinh ứng thí của cụ Nguyễn Đạo vẫn bất thành. Trong khi nhiều đồng hương, đồng khoa cùng thời đều được vinh danh, nhất là ở khoa thi Quý Mão 1843 như: phó bảng Lê Vĩnh Khanh, phó bảng Nguyễn Duy Tự, cử nhân Nguyễn Vĩnh Trinh, cử nhân Hoàng Kim Côn, Lương Văn Nhã… Dù vậy, cụ Nguyễn Đạo vẫn được bổ nhiệm làm giáo chức, nhưng sau đó ông cáo lui về quê phụng dưỡng mẹ già.
Không theo con đường quan tước nhưng với năm tháng “phụng sự” nhân dân ở quê nhà, cụ Nguyễn Đạo được người đời nể trọng. Những năm 1840, thiên tai liên tục ập đến các tỉnh miền Trung - theo ghi chép dưới thời nhà Nguyễn - đặc biệt là các trận lũ tháng 10.1844 và 1856 khiến cột cờ ở Kỳ Đài bị gãy, 2/3 Ngọ Môn (Thừa Thiên Huế) bị đổ, mùa màng ở Quảng Nam mất trắng. Cụ Nguyễn Đạo ngày đêm đi quyên góp lương thực, lấy của cải gia môn ra để giúp người dân địa phương qua cơn hoạn nạn, sau được vua Tự Đức khen ngợi. Từ năm 1858 đến 1863, vùng đồng bằng ven biển Quảng Nam bị nạn đói hoành hành, cụ Nguyễn Đạo đã lấy uy tín của mình kêu gọi được hơn 6 vạn quan tiền và hàng vạn hộc thóc lúa để chẩn cấp cho dân nghèo.
Bấy giờ tại huyện Lễ Dương, địa phận các vùng An Phú và Dục Thúy, chủ yếu là sông nước, dân ngụ cư đến sau phải ăn ở lênh đênh trên sông nước rất khổ cực vất vả. Ngày trước, dân ngụ cư thường bị hắt hủi và bị thiệt thòi nhiều. Với lòng trắc ẩn, cụ Nguyễn Đạo đứng ra kêu gọi người dân trong làng trích hơn 20 mẫu công điền giúp dân ngụ cư có chỗ an cư lạc nghiệp, nhờ đó mà dân làng Hà Lam cũng được thưởng tấm biển có 4 chữ “Thiện tục khả phong” (tục thiện đáng để làm gương). Sinh thời, do trắc trở đường học hành, cụ Nguyễn Đạo luôn khát khao và làm nhiều việc để thúc đẩy sự học ở làng Hà Lam phát triển. Cụ phối hợp với các nhân sĩ trong huyện khuyến dân quyên cúng và nhượng đất công dựng văn chỉ (sau này là Văn thánh Thăng Bình) ở ngay làng mình vào năm 1856. Cụ cũng khuyến khích dân làng đặt ra học điền, dựng trường học văn, học võ trực tiếp đôn đốc, giám sát mọi việc đến nơi đến chốn, nhờ đó mấy chục năm liền trong làng không có kiện tụng, oan sai, học trò trong làng đỗ đạt thành tài ngày một nhiều.
Theo thầy Võ Viết Dũng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng, di tích Văn thánh Thăng Bình ngày trước hiện nằm trong khuôn viên nhà trường. Hồi bé khi thầy Võ Viết Dũng đi học vẫn còn thấy trên nền di tích có các phòng học lợp bằng tôn. Mãi đến những năm 1980 khi di tích xuống cấp trầm trọng người ta mới dời 9 tấm bia ghi danh về nhà thờ tiền hiền làng. Tương truyền các vị tri phủ Thăng Hoa, tri huyện Lễ Dương khi nhậm chức đều rất trọng vọng cụ Nguyễn Đạo, phàm có việc gì quan trọng tại địa phương đều tham khảo ý kiến của cụ. Tuy vậy, cụ Nguyễn Đạo một đời luôn sống thanh bạch, không màng danh tiếng, phô trương nên chỉ âm thầm cống hiến, phụng sự cho quê nhà. Theo Đại Nam liệt truyện, cụ Nguyễn Đạo còn lo lắng cho hậu sinh của mình nên thường xuyên răn dạy các con: “Thà là một người dân bình thường còn hơn làm quan mà hại ân đức”. Thế nên hai người con trai của cụ là Nguyễn Tạo và Hà Đình Nguyễn Thuật cả đời làm quan liêm khiết được nhân dân và sĩ phu nể trọng.
QUỐC TUẤN